Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và chuyên gia cùng tìm phương án huy động nguồn lực, nhằm góp phần khắc phục những yếu kém về HTTT hiện nay, đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Phát triển chưa đi đôi với hiệu quả sử dụng
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có HTTT.
Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng này ngày càng lớn và đa dạng. Trong đó, ngoài nguồn lực Nhà nước còn có sự tham gia của toàn xã hội, nhất là DN và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân.
Nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế.Ảnh: Linh Anh
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu HTTT ở Việt Nam đến nay vẫn thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, đang là "điểm nghẽn" của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình chậm tiến độ, kém chất lượng mà chi phí cao, trong khi công tác quản lý, khai thác, sử dụng và dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp.Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà thẳng thắn cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến HTTT chưa phát triển là do thiếu nguồn vốn phát triển.
Huy động mạnh mẽ các nguồn lực
Một vấn đề được các chuyên gia, DN và địa phương quan tâm nhất là làm thế nào để huy động được mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia. Ông Lê Mạnh Hà cho rằng cần huy động từ cả T.Ư, địa phương và ngay từ trong chính cơ quan quản lý là Bộ TT&TT. Bởi các tỉnh rất thiếu vốn phát triển hạ tầng CNTT, trong khi với người dân, để tiếp xúc được với chính quyền và sử dụng được các dịch vụ công thuận lợi thì việc truy cập internet đóng vai trò rất quan trọng. "Ngành viễn thông làm ăn rất có lãi, nhưng nếu tiền DN tạo ra không quay lại đầu tư được cho cơ quan quản lý Nhà nước là điều hết sức bất hợp lý" - ông Hà nói.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, có thể huy động nguồn vốn cho phát triển HTTT nếu ngân sách của các địa phương kết hợp được với kinh phí về khoa học công nghệ (KHCN). Nhà nước đã quy định hằng năm phải chi 2% vốn KHCN cho ứng dụng CNTT, nhưng thực tế nhiều địa phương chưa thực hiện đúng, còn lãng phí nguồn vốn KHCN. Do đó, Bộ TT&TT cần chủ động làm việc với Bộ KH&CN về việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Ngoài ra, cần phân phối hợp lý nguồn lực phát triển HTTT, dùng chung nguồn lực ứng dụng CNTT tập trung tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... mà không nên dàn trải. Các đề án phát triển CNTT của các bộ, ngành cũng cần được phê duyệt thống nhất bởi một đầu mối, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm".
Với kinh nghiệm của địa phương có nhiều thành công trong xây dựng công viên phần mềm (CVPM), lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng khu CVPM Quang Trung 2 cũng tại TP Hồ Chí Minh nhằm đưa CVPM Quang Trung thành khu CVPM trọng điểm quốc gia, từ đó phát triển thành chuỗi CVPM Quang Trung tại các tỉnh để phát triển thương hiệu sẵn có này, tiết kiệm nguồn lực cho các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, CNTT là ngành hạ tầng quan trọng nhất trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả. Tuy nhiên, trong khi số lượng DN Việt Nam phát triển ngày càng nhanh thì số DN, cơ quan Nhà nước thực sự đã áp dụng công nghệ mới vào quản lý mới đếm được trên đầu ngón tay. Điều đó chứng tỏ nhận thức từ chính cơ quan quản lý, DN chưa đầy đủ, mà nếu xác định "phi tin bất phú" thì các đơn vị sẽ có chiến lược phát triển ứng dụng CNTT hiệu quả hơn.
"Việt Nam đi sau về CNTT, nên quan trọng nhất là cần nhận thức đúng vai trò của CNTT trong toàn xã hội. Nếu vẫn còn tâm lý sính ngoại thì CNTT trong nước chưa thể phát triển mạnh. Khi tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt, thì nguồn lực lớn nhất để phát triển HTTT chính là con người, cần tập trung khai thác. Nhận thức về phát triển con người, phát triển CNTT chính là hạ tầng quan trọng nhất giúp Việt Nam phát triển bền vững trong thế kỷ XXI" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Để triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Bộ TT&TT đã ban hành một chương trình hành động theo ba quan điểm nhất quán: Tăng tốc phát triển HTTT; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và toàn bộ nền kinh tế; Phát triển công nghiệp CNTT và TT có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.” - Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ TT&TT |