Con người vẫn là yếu tố quyết định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, câu chuyện năng suất lao động của nhiều DN Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Singapore… được dư luận quan tâm vì đây là một trong những nguyên nhân khiến thu nhập của người lao động chậm được cải thiện.

Để giải quyết bài toán này, nhiều chuyên gia khuyến cáo, DN cần nhanh chóng sắp xếp lại sản xuất (SX), đổi mới quản lý theo hướng giảm thiểu tối đa lãng phí…

TS Trần Ngọc Trung - chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý chất lượng (Trung tâm Năng suất Việt Nam) cho rằng, có 7 loại lãng phí phổ biến đang tồn tại ở các DN sản xuất công nghiệp hiện nay, có thể tóm tắt là: SX dư thừa; Khuyết tật; Tồn kho; Di chuyển; Chờ đợi; Thao tác; Gia công thừa; Sửa sai và kiến thức rời rạc. Đây là những hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng lại làm tăng chi phí.

 
Việc sản xuất, tiêu thụ hàng nội địa vẫn còn nhiều bất cập trong khâu quản lý. Trong ảnh: Phân xưởng sản xuất tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Giày Thượng Đình. Ảnh: Quỳnh Anh
Việc sản xuất, tiêu thụ hàng nội địa vẫn còn nhiều bất cập trong khâu quản lý. Trong ảnh: Phân xưởng sản xuất tại Công ty TNHH Nhà nước MTV Giày Thượng Đình. Ảnh: Quỳnh Anh
Câu chuyện tại một DN thuộc "top Ten" dệt may Việt Nam chuyên SX áo sơ mi, veston là một ví dụ. Công ty này có tới 85% doanh thu là xuất khẩu, tăng trưởng gần 30%/năm, trang thiết bị ngang hàng Nhật Bản. Nhưng việc sắp xếp tại từng phân xưởng SX vẫn còn nhiều bất hợp lý, sản phẩm thừa xếp bừa bãi… và trong hơn 350 tỷ đồng doanh thu/năm, đơn vị chỉ lãi 5,6 tỷ đồng, còn lại tồn kho nội địa 56 tỷ đồng, vốn lưu động còn 8 tỷ đồng. Tìm hiểu ra, nguyên nhân chính là do phương pháp quản lý hàng nội địa không gắn sát thị trường, chuẩn bị SX không đồng bộ dẫn tới tồn kho lớn.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Tổ chức, Công ty TNHN Nhà nước MTV Giày Thượng Đình cho biết: Để giảm thiểu tối đa lãng phí trong SX, đơn vị xác định trước hết phải chuẩn bị máy móc, thiết bị đảm bảo kỹ thuật tiên tiến, bởi đây là khâu cần thiết nhất để hạn chế sai hỏng sản phẩm. Nhưng, bên cạnh điều kiện SX, sắp xếp nhà xưởng, thì "quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người. Ý thức của người lao động có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của việc giảm lãng phí, tăng năng suất lao động nên chúng tôi thường xuyên phải tổ chức đào tạo lại cho người lao động ở các vị trí then chốt. Cứ 3 tháng một lần, Công ty tiến hành đánh giá lại việc tổ chức, giảm thiểu lãng phí trong sản xuất để rút kinh nghiệm, nhân rộng sáng kiến hay" - bà Mai chia sẻ. Còn theo bà Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc Nhà máy sản xuất sữa Ba Vì: Để tiết kiệm, chống lãng phí, Công ty đưa chỉ tiêu hao phí đến từng tổ, nhóm, bộ phận quản lý máy móc, thiết bị... Những người đứng đầu các bộ phận này phải chịu trách nhiệm về định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu điện trong vận hành máy lạnh, bộ phận lò hơi... nhằm mục tiêu tiết kiệm tối đa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Phạm Đức Tiến nhấn mạnh: Thực tế trong ngành công nghiệp TP có rất nhiều DN như: Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Sữa Quốc tế, Toyota... nhờ áp dụng những công cụ quản trị tiên tiến đã nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tìm được nhiều đối tác mới, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập. Hiện có những công cụ quản lý mang lại hiệu quả khá tốt mà DN có thể áp dụng như: Công cụ quản lý trực quan 5S giúp quản lý khu vực nhà xưởng, văn phòng luôn sạch sẽ, đồ dùng, dụng cụ và các vật liên quan được sắp xếp thuận lợi cho sản xuất; LEAN - công cụ quản lý quan trọng đã giúp không ít DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm... DN trong nước hoàn toàn có thể áp dụng để tăng năng suất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình.