Đề nghị giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.
Dẫn chứng tình trạng nhiều trường hợp trong độ tuổi này dù đã được giáo dục tại cộng đồng, nhưng hiệu quả thấp, thậm chí còn manh động hơn, nên đại biểu cho rằng phải xử lý theo tinh thần “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cũng đề nghị giữ nguyên quy định khi mà tội phạm ngày càng trẻ hóa.Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Thúy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cân nhắc thận trọng bởi thực tế trong 3 năm từ 2014 - 2016, trên phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố với Tội cố ý gây thương tích, 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, chiếm tỷ lệ rất ít.
“Về nguyên nhân khiến các em phạm tội chủ yếu là do không tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình. Hầu hết là trẻ mồ côi, có bố mẹ ly hôn, phạm tội… Bên cạnh đó, môi trường văn hóa giải trí của các em chưa thực sự an toàn, các trang web đen tràn ngập trên mạng. Đứng trước tình hình trẻ em phạm tội, vấn đề cơ bản là không phải chúng ta chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của các em mà điều quan trọng hơn là cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội”, đại biểu Thúy nói.Tán thành ý kiến này, đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh lứa tuổi 14 - 16 tuổi cần sự giáo dục hơn là sự trừng phạt, “việc này sẽ là cơ hội tốt hơn cho các em trong tương lai”, nên nếu không phải là tội rất nghiêm trọng, đề nghị không phải chịu trách nhiệm hình sự.