Còn nhiều việc phải lo tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

Minh Tường - Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi nhận thực tế trên các tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm 3 ngày qua cho thấy, nhiều du khách chưa có ý thức giữ gìn VSMT; một số điểm trông giữ xe khá lộn xộn, đội giá gấp 3 - 5 lần; đôi lúc còn xảy ra ách tắc giao thông tại khu vực vành đai.

Hơn 200 tấn rác mỗi ngày

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), trong 3 ngày thí điểm vừa qua, khối lượng rác thải trên các tuyến phố đi bộ bình quân đạt 220 tấn/ngày (riêng ngày 2/9 đạt 237 tấn). Công nhân Urenco đã phải tăng gấp 4 lần cường độ làm việc, huy động hàng trăm nhân lực, máy móc và thanh niên tình nguyện tham gia dọn dẹp vệ sinh. Về cơ bản các tuyến phố đi bộ đã giữ được vẻ sạch đẹp, phong quang trong suốt những ngày qua. Tuy nhiên, Trưởng phòng Truyền thông Urenco Lê Trung Dũng cho biết: “Nhiều du khách vẫn rất thiếu ý thức, xả rác bừa bãi. Thậm chí có người đứng cách thùng rác chưa đầy 5m nhưng vẫn vô tư vứt vỏ bánh, vỏ chai nước ra hè đường”. Đặc biệt, khu vực ven bờ hồ Hoàn Kiếm, trước cửa hàng kem Thủy tạ, vỉa hè loang lổ, vương vãi khá nhiều rác vụn khiến ai đi qua cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Ông Lê Mạnh Tuấn (huyện Thanh Oai) nhận xét: “Nhiều người ăn uống rồi tiện đâu vứt đấy, thiếu ý thức quá. Tôi còn chứng kiến một cháu bé được bố mẹ cho đi vệ sinh ngay gốc cây trước cửa hàng kem Thủy Tạ dù nhà vệ sinh công cộng ở bên kia đường, chỉ cách có chục bước chân”.
Điểm trông giữ xe tự phát trên phố Bà Triệu với giá 20.000 đồng/xe máy.
Điểm trông giữ xe tự phát trên phố Bà Triệu với giá 20.000 đồng/xe máy.
Bà Phạm Thị Lý (quận Hà Đông) nhận xét: “Có cảm giác như lực lượng an ninh, trật tự đều chỉ tập trung chốt giữ vòng ngoài mà thiếu quan tâm bên trong khu vực phố đi bộ, nhất là quanh Bờ Hồ”. Theo bà Lý, nhiều quán hàng rong, nhất là đồ ăn, thức uống san sát nhau ven hồ; trẻ em đạp xe ào ào khắp nơi, thi thoảng lại thấy cả người lớn lao xe máy vào phố. “Tôi để ý mãi mà không thấy bóng dáng “anh trật tự” nào. Lẽ ra nên có lực lượng thanh niên cùng cán bộ trật tự đi vòng quanh nhắc nhở người dân, hàng quán giữ trật tự, văn minh đường phố” - bà Lý nói.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo không gian, môi trường lành mạnh trên phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND TP đã quy định chỉ các nhà hàng, quán bar có giấy phép mới được kinh doanh, không cho phép hàng rong hoạt động. Tuy nhiên, những ngày qua, hiện tượng hàng rong buôn bán vẫn xuất hiện nhiều trên tuyến phố đi bộ. Những gánh hàng rong len lỏi, trong khi lực lượng chức năng dù rất cố gắng cũng chưa thể kiểm soát.

Đơn cử, trên đường Hàng Bài, đoạn trước cửa Trung tâm thương mại Tràng Tiền, nhiều xe bán hàng rong đứng trên vỉa hè và dưới lòng đường; trước cửa Đền bà Kiệu, nhiều người bán hoa quả ngồi hai bên đường. Thậm chí ngay trước tượng đài vua Lý Thái Tổ xuất hiện hàng chục người kinh doanh bóng bay, hoa quả, đồ chơi, nước lạnh... chào mời người dân, du khách.

Thực tế, tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm chỉ có nhà hàng Thủy Tạ, Tràng Tiền, Hàng Khay phục vụ nhu cầu mua nước giải khát, kem, đồ uống cho khách… nên không thể đáp ứng nhu cầu của người dân, nên việc xuất hiện hàng rong là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, đề nghị UBND TP nên đưa thêm một số cửa hàng phục vụ nhu cầu mua nước giải khát vào hoạt động trên những tuyến phố này. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh ngăn chặn tình trạng một số cá nhân lợi dụng phố đi bộ để kinh doanh, dịch vụ kiếm lời bất chính.

Điểm trông giữ xe chưa hợp lý

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân) cho biết: “Tối mùng 2/9, tôi gửi xe máy tại số 8 phố Bà Triệu mất 30.000 đồng, ngày mùng 4 cũng mất 20.000 đồng. Biết là điểm trông giữ “tự phát” của người dân, mình không an tâm, giá lại “chát” nhưng phải vẫn vào gửi”. Chị Hạnh lý giải, do các điểm trông giữ có biển bảng, được cấp phép đàng hoàng, chỗ thì đã đầy, chỗ lại quá xa phố đi bộ nên đành chấp nhận gửi vào điểm trông xe này. Tương tự, nhiều người dân thậm chí còn phải gửi xe máy với giá 50.000 đồng, ô tô từ 50.000 - 100.000 đồng tại các điểm trông giữ “tự phát”. Nhiều du khách còn phản ánh, một số điểm trông giữ xe nhìn bề ngoài có vẻ chính quy, đề biển tên, vé có dấu, có in mệnh giá hẳn hoi nhưng vẫn thu phí cao gấp 5 - 10 lần. Anh Trần Thanh Tùng (quận Hà Đông) cho biết, anh gửi ô tô tại một điểm trông giữ trên phố Ngô Quyền, giá 30.000 đồng/120 phút: “Mình thắc mắc thì họ bảo không thu thêm nữa nhưng đúng giờ phải ra lấy xe. Cũng chẳng giải thích gì thêm”.

Thực tế cho thấy, số lượng điểm trông giữ xe được chuẩn bị cho du khách ra vào phố đi bộ là chưa đủ và thiếu kiểm soát, dẫn đến loạn phí, người dân bị “bắt chẹt”. Không những thế, ghi nhận trong các ngày 3, 4/9 cho thấy, tại nhiều nút giao trên các phố Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Hàng Bài… đôi khi xảy ra ùn ứ phương tiện. Nguyên nhân chủ yếu do lượng lớn xe của du khách chạy vòng quanh tìm chỗ đỗ xung đột với luồng phương tiện qua lại; nhiều nơi lòng đường bị thu hẹp do xe cộ dừng đỗ tràn lan. Bà Phạm Thị Lý nói: “Cần có ngay những biện pháp hữu hiệu để giải tỏa giao thông, quản lý chặt chẽ các điểm trông giữ xe cũng như vận động người dân giữ gìn VSMT để phố đi bộ xứng đáng là một “đặc sản” văn hóa của Thủ đô Hà Nội”.