Còn những điều phải chỉnh sửa chính sách ưu đãi người có công

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị chuyên đề Chính sách ưu đãi người có công do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 16/7 tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều đại biểu chung quan điểm: Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc tổng rà soát thực hiện chính sách người có công đã được triển khai và thực hiện hơn 2 năm, song trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập cần được bổ sung sửa đổi.

Khám và phát thuốc miễn phí cho các cựu Thanh niên xung phong thị xã Sơn Tây. 	Ảnh: Chiến Công
Khám và phát thuốc miễn phí cho các cựu Thanh niên xung phong thị xã Sơn Tây. Ảnh: Chiến Công
Những con số “báo về” từ các sở LĐTB&XH cho thấy, hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 31/2013/NĐ-CP, cơ bản các chế độ ưu đãi người có công đã được thực hiện kịp thời và đúng đối tượng. Chỉ tính đến hết năm 2014, đã có 7.200 bà mẹ được hưởng trợ cấp người phục vụ; gần 65.000 người được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc bị địch bắt tù đày. Riêng quy định bổ sung chế độ thờ cúng liệt sĩ cũng đã có 410.000 người được hưởng. Trong đó có trên 14.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% - 40%, gần 63.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60%, 58.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% - 80%, hơn 18.000 người tiếp tục hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Đây là những con số rất đáng ghi nhận.

Dẫu vậy, những người trong cuộc trực tiếp thực hiện công tác này cũng không giấu, việc triển khai thực hiện các quy định mới về chính sách ưu đãi người có công đã vấp phải một số vấn đề vướng mắc. Cụ thể là về điều kiện, căn cứ xác nhận còn thiếu, chưa phù hợp giữa các đối tượng; điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa đúng quy định… Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định cho biết, thường xuyên phải xử lý hàng ngàn hồ sơ, đơn khiếu nại của người dân xung quanh vấn đề chính sách đối với người có công cách mạng. Trong đó, đặc biệt là chuyện chưa thể kết hợp với Sở Y tế để khám chữa bệnh cho các đối tượng có công với cách mạng. “Chúng tôi không có chuyên môn về y tế, vì vậy cứ bên Sở Y tế nói đóng dấu thì tôi đóng dấu, nói ký là tôi phải ký vào. Vì vậy đề nghị cần có dự thảo chi tiết để chuyển đến các sở LĐTB&XH nghiên cứu, từ đó căn cứ thực tiễn để tham mưu tập hợp ý kiến đưa ra một chủ trương phù hợp nhất cho ngành” – vị này kiến nghị.

Vấn đề có hay không chính sách cho vợ liệt sĩ đã tái giá cũng được bàn luận không ít. Một số ý kiến cho rằng không giải quyết cho mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ đã tái giá vì cho rằng họ không còn thờ cúng chồng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc tái giá không ảnh hưởng gì đến chuyện được hưởng chính sách Mẹ Việt Nam anh hùng, bởi mất mát người thân trong gia đình đã là nỗi đau lớn. Vì vậy, họ cần có chỗ dựa và gia đình mới để tiếp tục cuộc sống, chưa kể những người phụ nữ có trường hợp mất người thân khi tuổi đời còn quá trẻ và muốn tái giá để có con cái thờ tự, nương tựa lúc tuổi già…

Với cái nhìn khái quát, đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc chỉnh sửa bổ sung các nghị định về chính sách người có công không bao giờ hoàn chỉnh, vì mỗi hoàn cảnh địa phương lại có sự khác biệt. Vì vậy “chỉ cần đồng bộ về nguyên tắc trong việc xử lý điều chỉnh các nghị định đưa ra” – vị này khẳng định. Tuy nhiên, trước những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới về chính sách ưu đãi người có công, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hải Chuyền yêu cầu: Cần gấp rút đưa ra những chỉnh sửa kịp thời trước tháng 8/2015 để người dân yên lòng. Trong đó, vấn đề vợ liệt sĩ tái giá, lấy người phục vụ chế độ cũ, cần phải đặc biệt quan tâm xem xét để mang tính nhân văn và phù hợp với hoàn cảnh.