Biến tướng bằng nhiều thủ đoạn
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ - Công an TP Hà Nội (PC 46), hàng giả, hàng nhái đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong 5 năm gần đây, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP đã kiểm tra, phát hiện hơn 4.200 trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý gần 4.000 vụ, tổng thu nộp ngân sách khoảng 120 tỷ đồng.
Lực lượng liên ngành TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ hàng không rõ nguồn gốc tại quận Đống Đa. Ảnh: Trần Việt
|
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu như pháo nổ, động vật, sản phẩm động vật, thuốc lá, xe máy điện, xe đạp điện, rượu, hàng may mặc, hàng gia dụng… được tiến hành với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tổ chức hoạt động tạo thành các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ đầu nậu trên biên giới và trong nội địa. Các đối tượng khi bị kiểm tra thường dùng hóa đơn mua hàng với giá trị thấp hơn nhiều so với giá bán trên thị trường, quay vòng hóa đơn, thay đổi biển số xe vận chuyển hàng lậu theo từng tuyến đường, các đối tượng rất manh động và sẵn sàng chống đối quyết liệt với các lực lượng chức năng khi bị thu giữ hàng hóa.
Bên cạnh đó, việc giả mạo xuất xứ thay bao bì nhãn hàng hóa của Trung Quốc thành hàng Việt Nam, hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Italia… với các phương thức thủ đoạn tinh vi mang nhiều yếu tố nước ngoài hơn và được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối. Trong khi đó, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận, khá nhiều DN còn thờ ơ với quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi mới chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhận hàng hóa mà quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Thực tế, DN chưa thiện chí phối hợp với các cơ quan chức năng, thậm chí xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật. Mặt khác, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam phần đông vẫn lựa chọn mua hàng giá rẻ… đã vô tình tiếp tay cho hành vi buôn lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cùng vào cuộc
Để hạn chế lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của DN trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, thông tin đầy đủ và trung thực về hàng hóa và dịch vụ. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, đại diện Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's) miền Bắc cho rằng, DN phải đặc biệt chú trọng việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhằm tránh bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của đơn vị khác cũng như không để thương hiệu của DN bị đánh cắp.
Đại diện PC 46 đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, hàng hóa bán ra phải kèm hóa đơn, chứng từ nhập khẩu, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường, không chấp nhận ghi thấp giá trị hàng hóa trên hóa đơn để đối phó với cơ quan chức năng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, hy vọng tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Chiều 21/7, tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan về kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, cần sớm khắc phục những bất cập nêu trên để góp phần từng bước ngăn chặn trực tiếp và có hiệu quả công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay... Đồng thời yêu cầu, sớm khắc phục tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường; kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, bao che, tiếp tay cho buôn lậu và kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ có dư luận về tiêu cực trong công tác. |