Công an cơ sở giúp dân từ những việc nhỏ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những người do vô tình đi lạc mà không biết đường về, cách dễ dàng nhất là hỏi công an. Với những người đi đường gặp trường hợp người già, trẻ em đi lạc, muốn giúp đỡ không có gì tốt hơn là đưa đến trụ sở Công an (CA) phường nơi gần nhất.

Với lực lượng CA, dù trong hoàn cảnh nào nếu gặp những trường hợp cần giúp đỡ thì đó sẽ trở thành trách nhiệm và là yêu cầu phải giúp đỡ người dân tận tụy.

Ngày đầu Xuân 2015, lực lượng CA phường Điện Biên, quận Ba Đình đã giúp đỡ một cụ già tìm được người thân trong niềm vui phấn khởi. Đó là, sáng ngày 22/2, sau khi rời khỏi nhà trên phố Trần Quốc Toản (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), cụ Trần Thị Lan (SN 1926) đã đi lạc và không nhớ địa chỉ gia đình. Sau đó, cụ Lan đã được chị Nguyễn Thị Hiền (ở Thanh Hóa, làm nghề xe ôm) giúp đỡ, chở đi tìm nhà nhưng không được. Cuối cùng, chị Hiền đã nghĩ ra giải pháp chở cụ Lan vào CA phường Điện Biên nhờ tìm giúp người thân. Ngay sau khi trò chuyện với cụ Lan, các chiến sĩ CA phường Điện Biên đã sử dụng phần mềm dữ liệu dân cư tra cứu, rà soát trên hệ thống dữ liệu và đã liên lạc được với gia đình cụ Lan đến đón cụ về.
Cụ Trần Thị Lan cùng chiến sĩ công an phường Điện Biên.
Cụ Trần Thị Lan cùng chiến sĩ công an phường Điện Biên.
Tại CA phường Điện Biên, ông Nguyễn Văn Nghĩa (con trai cụ Lan) đã bày tỏ lòng biết ơn tới Giám đốc CA TP Hà Nội, CA quận Ba Đình và CA phường Điện Biên đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tình giúp đỡ Nhân dân từ những việc nhỏ nhất.

Trên đây là một trong nhiều vụ việc lực lượng CA cơ sở giúp đỡ người già, trẻ nhỏ tìm được người thân. Vào cuối năm 2014, Đại úy Phạm Thế Anh - Phó Trưởng CA phường Thành Công cũng tiếp nhận một nam thanh niên đưa một cụ bà vào trụ sở vì bị lạc đường. Thấy cụ bà bị lạnh và đói, chiến sĩ CA phường Thành Công đã nấu mỳ mời cụ ăn. Nhưng do bị mắc bệnh đãng trí nên khó khăn lắm cụ mới nói ra được tên họ của mình là Đinh Thị Thìn, ở huyện Gia Lâm, có con gái tên là Thủy. Đại úy Phạm Thế Anh đã nghĩ đến việc áp dụng phần mềm dữ liệu dân cư để tìm kiếm thông tin về cụ Thìn. Sau khi tra cứu, kết quả cho ra thông tin có người mang tên Đinh Thị Thìn, ở Phú Thị, Gia Lâm. Đại úy Phạm Thế Anh quyết định để cụ bà nghỉ tại trụ sở đơn vị và đến đầu giờ sáng hôm sau, đã cử một tổ công tác đưa cụ về tận nhà.

Các trường hợp tìm được người thân cho người già, trẻ nhỏ bị lạc chính là nhờ việc áp dụng tra cứu thông tin trên hệ thống dữ liệu dùng chung của CA TP Hà Nội, từ đó khoanh vùng và trao đổi, phối hợp cùng công an địa phương nghi là nơi người bị lạc sinh sống để xác minh thông tin. Có thể nói, Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của CA TP Hà Nội trên hệ thống máy tính, không chỉ góp phần quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn Thủ đô, mà còn có ý nghĩa rất thiết thực và cụ thể trong giải quyết các vụ việc.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trung tá Phạm Doãn Đoàn - Trưởng CA phường Điện Biên cho biết, nghề CA là nghề phục vụ Nhân dân. Do vậy, lực lượng CA cố gắng lấy tâm của mình mang vào nghề phục vụ giúp người dân từ những điều nhỏ nhất. Các trường hợp bị lạc thường phải mất nhiều thời gian để xác định được nhân thân. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu dân cư trên địa bàn TP và tra cứu trên hệ thống quản lý dữ liệu đã giúp lực lượng CA rút ngắn được khoảng cách trong việc đưa người bị lạc trở về với gia đình. Có thể nói rằng, sau một thời gian triển khai, hệ thống quản lý dữ liệu dùng chung của CA TP Hà Nội đã phát huy tác dụng không chỉ trong công tác nghiệp vụ mà còn trực tiếp với tất cả người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần