Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công an làm hợp đồng 'chạy án' nhận 8 năm tù

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cho rằng hành vi bắt tay nhau, làm hợp đồng chạy án để nhận tiền của cựu công an và các kiểm sát viên là rất nguy hiểm nhưng do họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa đã áp dụng mức án thấp hơn khung hình phạt.

KTĐT - Cho rằng hành vi bắt tay nhau, làm hợp đồng chạy án để nhận tiền của cựu công an và các kiểm sát viên là rất nguy hiểm nhưng do họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Tòa đã áp dụng mức án thấp hơn khung hình phạt.

Hôm nay, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Tú Anh (28 tuổi, nguyên cán bộ điều tra Công an quận Thủ Đức) mức án 8 năm tù; Nguyễn Đình Phú (35 tuổi - nguyên kiểm sát viên VKSND quận Thủ Đức) 5 năm tù cùng về tội “làm môi giới hối lộ”.

Liên quan vụ án, Nguyễn Văn Thủy (54 tuổi, nguyên kiểm sát viên VKSND quận Thủ Đức) lãnh 2 năm tù về tội “nhận hối lộ”, Đinh Thị Ngọc Thúy (26 tuổi) nhận 3 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) về tội “đưa hối lộ”. Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên tịch thu 30 triệu đồng phạm pháp xung công quỹ.
Trước đó, tại phiên xét xử, các bị cáo đều khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố.

Theo lời khai của Thúy, khi chồng bị bắt về hành vi trộm cắp tài sản thì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con nhỏ mới 2 tuổi đang phải điều trị câm điếc bẩm sinh. Khi mang cơm vào cho chồng, thấy chồng bị xích tay chân Thúy rất đau lòng. Do vậy khi biết Tú Anh có khả năng “chạy” cho chồng mình tại ngoại đã đồng ý ngay. Số tiền 30 triệu đồng Thúy đã đưa cho Tú Anh là phải chạy vay khắp nơi.

Khi được Tú Anh nhận lời, Thúy mừng rỡ kể lại sự việc với anh Tùy (làm cùng công ty chồng mình) và nhờ anh này đi cùng mình đến đưa tiền cho Tú Anh. Tuy nhiên, Thúy không biết anh Tùy đã kể lại sự việc cho anh ruột và ông này đã báo với Văn phòng chống tham nhũng Trung Ương. Trước khi chở Thúy đến đưa tiền “chạy án” cho viên công an quận Thủ Đức, anh Tùy đã nhận được điện thoại của Bộ Công an yêu cầu hợp tác phá án.

Do vậy, ngay sau khi Thúy giao tiền và nhận giấy biên nhận từ Tú Anh, cả hai đã được mời về cơ quan điều tra. Tại đây Thúy đã khai nhận toàn bộ, nộp lại giấy biên nhận Tú Anh viết cho mình và làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của viên công an này. Từ đó cho đến lần hẹn gặp để nhận nốt 30 triệu đồng còn lại, mọi hành động đều do phía công an sắp đặt.

Trả lời câu hỏi tại sao phải đề nghị Tú Anh viết biên nhận, người đàn bà này cho rằng đây là số tiền quá lớn nên cần có “biên nhận đảm bảo”.

Còn Tú Anh khai, sau khi biết chồng Thúy bị bắt đã chủ động liên hệ với Nguyễn Đình Phú để “chạy” tại ngoại cho bị can này thì Phú nói: “Vụ này khó, phải chờ xem thế nào. Chắc phải đến 30-40 triệu đồng”. Cho đến khi Phú báo có thể “làm được”, Tú Anh đã gọi cho Thúy hẹn ra quán cà phê nhận trước một nửa, 30 triệu còn lại khi nào chồng Thúy được thả sẽ nhận nốt.

Tại quán cà phê, Tú Anh không ngần ngại viết giấy biên nhận “chạy án” khi được Thúy yêu cầu ghi rõ tên, vị trí công tác cùng với nội dung: “có nhận 30 triệu đồng để lo cho anh Mạc Văn Tuấn được tại ngoại từ vợ anh Tuấn là chị Đinh Thị Ngọc Thúy. Nếu như anh Tuấn mà không được tại ngoại thì Tú Anh phải hoàn trả lại số tiền trên. Tổng chi phí trong vụ này là 60 triệu đồng. Chị Thúy đưa trước 30 triệu đồng. Đến 9h sáng ngày 6/2/2010 chị Thúy phải có trách nhiệm giao tiếp 30 triệu số tiền còn lại. Nếu không, anh Tuấn có gì thì bên anh Tú Anh hoàn toàn không chịu trách nhiệm”.

Sau khi nhận tiền, Tú Anh giữ lại 5 triệu, số còn lại cho vào bịch nylon đưa cho Phú.

Trình bày với tòa, Phú cho biết, sau khi được Tú Anh đề nghị, người này đã đưa hồ sơ vụ án của chồng Thúy cho Nguyễn Văn Thủy nhờ “từ chối phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp”. Được Thủy cho biết trường hợp này không thuộc diện phải bắt khẩn cấp và hứa sẽ giúp đỡ, Phú đưa cho Thủy 5 triệu đồng. “Tôi gọi điện cho anh Thủy nói để tiền ở trong ngăn tủ (25 triệu nhận từ Tú Anh) và anh ấy tự động lấy 5 triệu đồng”, Phú khai.

Tuy nhiên, Thủy đã phản bác lời khai này của Phú và cho rằng chính người này tận tay đưa cho mình 5 triệu đồng.

“Phú nói đây là người quen, nhờ tôi từ chối phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp để về nhà ăn tết. Tôi thấy trường hợp của chồng Thúy, theo quy định của pháp luật, không cần thiết phải ra lệnh bắt khẩn cấp nên mới nhận lời giúp đỡ. Tôi hoàn toàn không biết Phú đã thỏa thuận chạy án như thế nào. Chỉ vì tôi quá tin tưởng vào anh em đồng nghiệp”, bị cáo Thủy khai.

Theo cáo trạng, sau khi nhận 5 triệu đồng từ Phú, ngay tối đó Thủy đã đến cơ quan viết đề xuất từ chối phê chuẩn bắt khẩn cấp đối với chồng Thúy. Tuy nhiên, khi việc “chạy án” bị bại lộ, Thủy lại làm đề xuất đồng ý phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với người này.