Sẽ làm rõ nội dung ủy thác tư pháp
Sáng 9/12, TAND tỉnh Bình Dương mở lại lần 3 phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, Bình Dương) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng bị xử tội danh với bị cáo Khanh còn có: Nguyễn Huy Hùng (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Tây Sài Gòn (BIDV Tây Sài Gòn), Nguyễn Quang Lộc (cấp dưới ông Hùng).
Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương. được áp giải đến tòa sáng 9/12. |
Đối với các bị cáo: Lê Hoài Linh (nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cấp dưới ông Linh), Nguyễn Minh Tâm (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã An Tây) và Đặng Văn Thọ (cán bộ địa chính xã An Tây) bị xử tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, từ năm 2005 - 2008 bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945), Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu thương mại An Tây (Công ty An Tây - PV) vay Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng, với tài sản thế chấp, gồm: Hơn 20ha đất, nhà xưởng, máy móc…, định giá gần 81 tỷ đồng.
Đến năm 2008, Công ty An Tây không còn khả năng trả nợ nên BIDV đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Phía ngân hàng giao cho bà Hiệp tự bán tài sản đã thế chấp để trả nợ.
Thông qua môi giới, ông Khanh liên hệ ông Hùng, Lộc và bà Hiệp mua toàn bộ tài sản thế chấp gần 46 tỷ đồng. Nhưng ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, thiệt hại gần 36 tỷ đồng. Cáo trạng cũng truy tố bị cáo Hùng và Lộc lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá hơn 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, định cư tại Mỹ, con gái bà Hiệp) thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho bị cáo Khanh quản lý, sử dụng.
Trước đó, phiên tòa này đã phải dừng 2 lần vào ngày 4/11 và 18/11, vì các lý do: Tài liệu ủy thác tư pháp bằng tiếng Anh chưa được dịch sang tiếng Việt; thiếu luật sư; thiếu đại diện bị hại là BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn; thiếu tài liệu ủy thác tư pháp (lời khai của bà Nguyễn Hiệp Hảo, sống ở Mỹ, là con gái bà Hồ Thị Hiệp). Ngoài ra, đại diện bị hại BIDV Tây Sài Gòn cũng có đơn xin vắng mặt và cũng đề nghị tạm hoãn phiên tòa.
Theo một luật sư tham gia phiên tòa, tại phiên tòa hôm nay nội dung của tài liệu ủy thác tư pháp sẽ được xem xét công khai. Tuy nhiên, về giá trị pháp lý của văn bản này và vấn đề sử dụng, sao chép, phát tán hay công nhận có phù hợp với thực tế và phù hợp với luật pháp Việt Nam hay không sẽ được làm rõ tại phần thủ tục phiên tòa.
Công an tỉnh Bình Dương nhờ Bộ Tư pháp Mỹ tương trợ gì?
Theo tài liệu ủy thác, Cơ qua CSĐT Công an tỉnh Bình Dương (Việt Nam) nhờ Bộ Tư pháp nước Mỹ thẩm vấn bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, đang định cư tại Mỹ) về những nội dung sau: Mối quan hệ giữa bà Nguyễn Hiệp Hảo với bà Hồ Thị Hiệp (SN 1945, hộ khẩu thường trú 207/12 đường Ba Tháng Hai, phường 1, quận 10, TP Hồ Chí Minh - Việt Nam); quá trình bà Hảo tham gia góp vốn kinh doanh tại Công ty An Tây (thời gian tham gia góp vốn, giá trị phần vốn góp, tỷ lệ giá trị phần vốn góp, thành viên tham gia góp vốn trong công ty gồm những ai, ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty, người đại diện theo pháp luật của công ty); bà Nguyễn Hiệp Hảo có tài sản gì tại Việt Nam trong thời gian tham gia kinh doanh tại Việt Nam, bà Hảo có sử dụng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn cho công ty hoặc cá nhân nào khác hay không?
Nếu có thì các khoản vay đó đã được xử lý như thế nào, tài sản thế chấp của bà Hảo được xử lý như thế nào, khi xử lý do người khác đại diện hay do bà Hảo trực tiếp tham gia xử lý tài sản thế chấp; Tài sản của Công ty An Tây có dùng để thế chấp vay vốn trong quá trình công ty hoạt động hay không? Nếu có thì vay ở ngân hàng nào, tài sản thế chấp đó hiện đã được xử lý như thế nào?
Ngoài ra, văn bản của công an tỉnh Bình Dương nhờ Bộ Tư pháp nước Mỹ tương trợ những nội dung, như: “Cá nhân bà Hảo và Công ty An Tây hiện có nợ cá nhân, tổ chức nào tại Việt Nam hay không? Nếu có thì nợ bao nhiêu? Nguyên nhân nợ và ý kiến của bà Hảo về việc xử lý các khoản nợ này? Sự việc liên quan đến tài sản của Công ty An Tây, của bà Hảo và bà Hiệp tại Việt Nam, hiện nay bà Hảo có yêu cầu gì không? Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bà Hảo hiện là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương (Việt Nam), bà Hảo có đồng ý tham gia tố tụng tại Việt Nam hay không? Bà Hảo hiện còn lưu giữ giấy tờ, tài liệu gì liên quan đến tài sản cũng như nội dung thỏa thuận thế chấp, xử lý tài sản hay không? Nếu có đề nghị bà Hảo cung cấp giấy tờ, tài liệu đó để phục vụ công tác điều tra”.