Cảnh giác chiêu lừa "việc nhẹ, lương cao"
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian qua nhiều công dân Việt Nam ở khắp các tỉnh, thành trong đó có TP Hồ Chí Minh bị lôi kéo, dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhàn rỗi, hưởng lương cao lên đến hàng chục triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi sang đến Campuchia, các nạn nhân bị giam giữ, ép buộc lao động khổ sai hoặc làm các việc liên quan để lừa đảo trực tuyến. Nếu nạn nhân muốn về, phải liên hệ với gia đình để chuyển khoản tiền chuộc rất lớn; trường hợp người thân nạn nhân không có tiền chuộc thì nạn nhân bị đánh đập, bán cho những “công ty” khác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
![Hàng trăm người Việt Nam bị lừa sang Campuchia bằng chiêu “việc nhẹ, lương cao”, được lực lượng chức năng Việt Nam giải cứu ngày 12/12/2024. Ảnh: CACC. ](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/07/cong-dan-viet-nam-bi-lua.jpg)
Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh thống kê đến hết tháng 11/2024, có 199 đơn đề nghị hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài của các cơ quan chức năng, trong đó có 43 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trong ngày 11 và 12/12/2024, các lực lượng chức năng Việt Nam đã tiếp nhận 410 người Việt Nam bị phía Campuchia tạm giữ do nhập cảnh trái phép, sai mục đích, khi kiểm tra tại khu vực Venus (Campuchia), phát hiện số người Việt Nam này đang làm việc cho các công ty, trung tâm lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu.
Từ tình hình trên, để Nhân dân nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với hành vi của bọn tội phạm lừa đảo, mua bán người sang Campuchia hoạt động phi pháp. Công an TP thông báo đến Nhân dân phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo người Việt Nam sang Campuchia làm việc với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”.
Theo đó, tội phạm thường dùng mạng xã hội đăng quảng cáo, tuyển dụng lao động hoặc tiếp cận lôi kéo, rủ rê người Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài tìm việc làm với mức lương, thưởng lên đến hàng nghìn USD/tháng, công việc được mô tả nhẹ nhàng, không cần kỹ năng, trình độ, cam kết “việc nhẹ, lương cao”, trong đó có các sòng bạc.
Khi nạn nhân “dính bẫy”, các đối tượng sẽ tổ chức cho số người này xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Các trung tâm lừa đảo trực tuyến, sòng bạc trá hình đều do người Trung Quốc làm chủ, thuê người Việt Nam làm quản lý và cho người Campuchia làm bảo vệ canh gác.
Nạn nhân bị ép lao động khổ sai, bị đánh đập, bỏ đói
Trong quá trình “làm việc”, nạn nhân bị giam giữ, quản lý chặt, bị thu giữ điện thoại cá nhân, bị cưỡng ép lao động, các nạn nhân chỉ được dùng điện thoại, thiết bị điện tử do bọn lừa đảo cấp phát nhằm thực hiện lừa đảo trực tuyến, như: “Tìm kiếm con bạc, lôi kéo tham gia đánh bạc trực tuyến trên mạng, kết bạn với những người phụ nữ trên Facebook dụ dỗ tình cảm để lừa tiền; gọi điện giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo trúng thưởng tài sản có giá trị cao, dẫn dụ cài App, phần mềm lạ để hack, chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng...”.
Trường hợp nạn nhân chống đối, không làm việc theo yêu cầu của bọn tội phạm, sẽ bị nhốt, bỏ đói, đánh đập. Nếu nạn nhân muốn trở về Việt Nam, bọn tội phạm yêu cầu phải liên hệ với gia đình để nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi gia đình nạn nhân chuyển tiền thì chúng không thả người mà bán nạn nhân cho các công ty lừa đảo khác.
Do đó, Công an TP Hồ Chí Minh đưa ra các biện pháp phòng ngừa: công dân Việt Nam khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm hay đi xuất khẩu lao động, cần tìm hiểu kỹ thông tin, liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) hợp pháp, uy tín để được hướng dẫn nhằm tránh mắc bẫy của bọn lừa đảo. Khi có nhu cầu tìm việc làm trên mạng, cần cảnh giác với các trang web giới thiệu ra nước ngoài làm việc có dấu hiệu lừa đảo như: mô tả việc đơn giản, không cần kỹ năng, trình độ, với mức lương, thưởng cao, hấp dẫn...
Khi có đối tượng tìm cách tiếp cận để dụ dỗ ra nước ngoài làm việc, thông tin tuyển dụng không rõ ràng, yêu cầu vô lý, “việc nhẹ, lương cao” cần hết sức cảnh giác, đề phòng, tránh mắc bẫy của bọn lừa đảo.
Đối với gia đình nạn nhân, nếu nhận được điện thoại yêu cầu chuyển tiền chuộc người thân về nước, cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin người thân xuất cảnh khi nào, theo đường gì, đối tượng nào lôi kéo, hiện đang ở “trung tâm” nào... sau đó trình báo Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Đối với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân: không nghe, không tin những lời dụ dỗ sang Campuchia hoặc ra nước ngoài làm việc với chiêu “việc nhẹ, lương cao” để tránh bị lừa bán; tiếp cận, hỗ trợ các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài để cung cấp thông tin, giới thiệu các trung tâm GTVL có uy tín.