Chiều 7/9, tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh, thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin về các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, mà các các băng/nhóm lừa đảo liên tục thực hiện trong thời gian qua với tần suất không ngừng nghỉ.
Theo thượng tá Hà, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, số người tiếp cận, sử dụng mạng intenet, mạng xã hội ngày càng tăng. Đặc điểm của mạng xã hội có tính ẩn danh cao, lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (có cả trong nước và thế giới) diễn ra phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.
Về thủ đoạn chung, các băng/nhóm lừa đảo trên không gian mạng xây dựng nhiều kịch bản (không ngừng có những kịch bản mới) đánh vào tâm lý, nhu cầu, lòng tham của bị hại như: mong muốn tìm “việc nhẹ, lương cao”; “nhu cầu tìm việc linh động thời gian kiếm thêm thu nhập”; “đánh vào lòng tham khi thấy có lợi ích - được tặng quà, trao thưởng”, “mong muốn đầu tư lãi suất cao”; “quá tự tin cho rằng có thể kiếm lời trước khi đối tượng có thể thực hiện hành vi lừa đảo”; “không hiểu nguyên tắc, chế độ làm việc của cơ quan chức năng”..., để dẫn dụ bị hại đăng ký, tham gia các nhóm tư vấn (nhóm Zalo, Telegram, Facebook…), đăng nhập các phần mềm để đánh cắp thông tin, dẫn dụ, đe dọa cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, góp vốn đầu tư..., từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các thủ đoạn về bản chất không mới, đối tượng chỉ thay đổi “câu chuyện lừa đảo” nhưng nhiều người vẫn bị dẫn dụ và thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, dù dưới bất kỳ hình thức nào thì mục tiêu cuối cùng của chúng là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Qua tiếp nhận tin báo, điều tra, Công an TP thấy nổi bật 16 phương thức, thủ đoạn. Cụ thể, giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra; giả danh nhân viên ngân hàng, hướng dẫn sử dụng phần mềm hoặc rút tiền mặt từ tài khoản tín dụng để chiếm đoạt; lừa cung cấp dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng và vay tiền trực tuyến; lừa nâng cấp sim, khi thực hiện theo hướng dẫn sẽ bị khóa sim và mất tài khoản đăng ký ngân hàng theo sim.
Bên cạnh đó là gọi điện thông báo trúng thưởng, yêu cầu nộp thuế, phí, cước vận chuyển; bẫy tình trên mạng xã hội như: giả người nước ngoài làm quen, gửi quà tặng, sau giả làm hải quan yêu cầu chuyển tiền phí, thuế…; tuyển cộng tác viên bán hàng, tuyển kế toán, tuyển cộng tác viên tham gia quảng cáo, như: tuyển dụng, hướng dẫn thiết lập các đơn hàng ảo để nhận hoa hồng, 1-2 đơn hàng sẽ có tiền vài chục nghìn đồng, sau đó dẫn dắt tham gia đặt đơn hàng mua, quảng cáo bán lại nhận hoa hồng (quảng cáo do chúng thực hiện).
Đăng tuyển nhân viên kinh doanh trên trang thương mại điện tử Việt Nam với thu nhập 50 - 300 USD, góp tiền thực hiện đơn hàng lấy hoa hồng, sau đó chiếm đoạt. Tuyển kế toán, giao thử thách nhiệm vụ, trong đó có các đơn hàng. Giả danh nhân viên các hãng bán hàng điện máy, các hãng bán hàng nước ngoài trên mạng mời tham gia nhấn Like quảng cáo mặt hàng để nhận tiền.
Ngoài những kịch bản trên, còn có hàng loạt kịch bản mà bọn lừa đảo sử dụng, như: mạo danh bảo hiểm xã hội (BHXH) thông báo nợ tiền, hoặc trục lợi BHXH, yêu cầu đóng phí để chiếm đoạt; lừa đảo chuyển tiền làm từ thiện hưởng hoa hồng: lừa đảo là người nước ngoài nhờ nhận chuyển tiền làm từ thiện (được hưởng hoa hồng 30-40%), sau giả làm hải quan yêu cầu đóng phí; lừa cho số đề để đánh, nếu trúng chia hoa hồng, không trúng mất phí.
Hack Facebook, Zalo gửi mượn tiền bạn bè để lừa đảo, thậm chí bọn lừa đảo còn làm giả CMND để đăng ký tài khoản, sử dụng ứng dụng Deepface giả hình ảnh để gọi video call lừa vay tiền. Lập facebook giả và lấy hình của bạn để gửi kết bạn với người khác, nhờ bấm mã QR code để bình chọn cuộc thi, khi thực hiện theo thao tác, sẽ bị chiếm quyền Zalo và gửi tin nhắn vay tiền cho bạn bè; làm nhiệm vụ qua ứng dụng: lừa tham gia ứng dụng kiếm tiền, thực hiện nhiệm vụ, đóng tiền làm nhiệm vụ, khi số tiền lớn thì mất tiền; lừa đảo làm việc tại nhà “việc nhẹ, lương cao”, “làm việc linh động thời gian”, như: mua sản phẩm về làm tại nhà, gửi cọc để nhận sản phẩm, sau đó chiếm đoạt (thậm chí lừa chuyển tiền nhiều lần do chưa nhận được tiền) như vụ lừa đảo quảng cáo nhận gia công lắp ráp bút bi với lương hấp dẫn, khi nạn nhân sập bẫy, đối tượng yêu cầu nộp tiền đặt cọc nhận hàng và chiếm đoạt. Lừa tuyển kế toán, dẫn dụ vào nhóm phỏng vấn, tuyển dụng, thông báo may mắn được chọn và tham gia cộng tác thực hiện thông qua tiền kết nối đầu tư để lừa tiền.
Lừa đảo đầu tư tài chính: đầu tư lợi nhuận khủng qua lập sàn giao dịch ảo (giao dịch mua chứng khoán quốc tế, ngoại hối, sàn vàng, phát hành tiền số giả danh các tập đoàn, công ty đầu tư tài chính chính uy tín của nước ngoài đặt tại Việt Nam, quyền chọn nhị phân (BO) để lôi kéo, huy động nhà đầu tư, trả hoa hồng theo mô hình đa cấp “mã liên kết”, “mã giới thiệu”, dùng nhóm quân xanh, quân đỏ để lừa tham gia, kết bạn rủ nhau làm, người bạn đã xác minh, tin tưởng tưởng nộp tiền thực hiện giao dịch trên tiền ảo.
Một chiêu lừa đảo khác trong 16 kiểu lừa là dùng Telegram, Zalo, Facebook tìm kiếm, làm quen, kết bạn tham gia chat sex và lôi kéo đầu tư vé số trúng thưởng, sau đó cho nạn nhân số tiền thắng lớn trong tài khoản, muốn rút tiền thì nộp phí, nếu không nộp tiền thì tung clip sex để khủng bố.
Lừa đảo mua hàng trực tuyến như: làm giả trang web bán vé máy bay, gửi thông tin vé giả để chiếm đoạt tiền mua vé; lừa cho vay tiền lãi xuất thấp: quảng cáo cho vay tiền lãi suất thấp, sau đó chuyển tiền vào app nhưng không rút được do bị lỗi, đề nghị nộp thêm tiền xác thực do thao tác sai dẫn đến người vay nộp tiền nhiều lần, sau đó bị chiếm đoạt; lập zalo, facebook giả danh lãnh đạo rồi nhắn mượn tiền nhân viên để chiếm đoạt.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng, thủ đoạn của bọn lừa đảo không mới, chỉ có “câu chuyện lừa đảo mới”. Do đó, để tránh bị dẫn dụ lừa đảo, cần lưu ý những tình tiết: mọi cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo; khi người thân dùng mạng xã hội gọi mượn tiền thì cần gọi điện thoại cho chính người thân để kiểm chứng; cơ quan công an không làm việc qua điện thoại, nên cần bình tĩnh, dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại (nhất là các đầu số lạ), không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi chưa làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng (nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển); báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý. Ngân hàng không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Ngoài ra, không chuyển tiền, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến chuyển tiền, góp tiền, thực hiện nhiệm vụ… cho bất kỳ ai khi chưa rõ người đó (chưa gặp mặt, chưa rõ lai lịch, địa chỉ…); nên sử dụng giao dịch trực tiếp qua hợp đồng trước khi sử dụng ứng dụng qua mạng; cần khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng Internet Banking, khi nghi ngờ lộ thông tin của thẻ. Nếu lỡ nhấn vào liên kết lừa đảo và tiết lộ thông tin, cần liên hệ đến tổng đài hỗ trợ của ngân hàng hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp khẩn cấp đã được chỉ định trước đó để được hướng dẫn thêm; không công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng, khai thác thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn/email yêu cầu cung cấp thông tin.