Công an vào cuộc vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch tại BV Phụ nữ Đà Nẵng

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch tại Bệnh viện (BV) Phụ nữ thành phố Đà Nẵng nghi do thuốc gây tê, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng đã chính thức vào cuộc.

Chưa có quyết định khởi tố
Chiều 22/11, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, Cơ quan điều tra đang làm việc với Sở Y tế Đà Nẵng để lập các thủ tục ban đầu theo quy định của pháp luật liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch ở BV Phụ nữ Đà Nẵng.
“Đây là sự cố y khoa, liên quan đến khoa học, phải được chứng minh bằng luận cứ khoa học. Sự việc rảy ra nếu thấy không bình thường thì trách nhiệm của cơ quan công an là phải tìm hiểu, xác minh. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận thì phải hội đủ điều kiện, căn cứ, không phải sự việc nào cũng hình sự hóa được”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết.
BV Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, nơi xảy ra vụ việc đau lòng.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho biết thêm, cơ quan điều tra mới tiếp nhận thông tin từ Sở Y tế và xác minh chứ chưa có quyết định khởi tố.
Đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng
Trước đó, vào khoảng 8h ngày 17/11, sản phụ V.T.N.S (SN 1987, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để chờ sinh mổ khi đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Đến khoảng 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi.
Nhưng đến cuối ca mổ, sản phụ S. có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân S. được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và đến khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhân S. tử vong.
Trong ngày 17/11, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng cũng tiếp nhận sản phụ N.T.H (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Bệnh nhân H. được gây tê tủy sống nhưng sau đó có các biểu hiện tương tự sản phụ S. như đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng.
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ đã tiến hành mổ lấy cháu bé ra ngoài, chuyển sản phụ H. vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trong tình trạng nguy kịch. Hiện bệnh viện đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhân H. 2 bé sơ sinh hoàn toàn khỏe mạnh.
Vào khoảng cuối tháng 10/2019, sản phụ L.H.P.T (SN 1987, trú quận Hải Châu) cũng nhập Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để sinh mổ và sau đó tử vong với các triệu chứng tương tự.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bìa phải) thăm sản phụ đang điều trị tại BV Đà Nẵng.
Ngày 21/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm các gia đình và sản phụ đang điều trị tại BV Đà Nẵng. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, nguyên nhân khiến 2 sản phụ chết, 1 sản phụ nguy kịch khi sinh mổ tại BV Phụ nữ Đà Nẵng vẫn đang được làm rõ.
Về nghi vấn xung quanh việc sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivaicane, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Với một sự cố y khoa, đặc biệt là sự cố y khoa nghiêm trọng như vừa xảy ra ở Đà Nẵng, cần phải phân tích rất nhiều yếu tố, trong đó có cả sự an toàn của người bệnh, các thuốc đã được sử dụng, quy trình, kỹ thuật và các phản ứng sau khi có tai biến”.
Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng – bà Ngô Thị Kim Yến cho hay, mặc dù chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân sản phụ thiệt mạng nhưng để loại trừ các nguy cơ, Sở yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn dừng sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivaicane WPW Spinal 5,5% Heavy (gọi tắt là thuốc Bupivacain) do Ba Lan sản xuất. Đối với BV Phụ nữ, phòng mổ sẽ tạm đóng cửa cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng.  
Nhiều địa phương lên tiếng về thuốc gây tê Bupivacain
Sau vụ việc đau lòng xảy ra tại BV Phụ nữ Đà Nẵng, chiều 21/11, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản yêu cầu tạm thời ngừng sử dụng thuốc gây tê Bupivacain.
Theo đó, Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu các đơn vị y tế công lập, các bệnh viện đa khoa ngoài công lập ngừng sử dụng thuốc Bupivacain, do Công ty CP Dược phẩm Trung ương – Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng, trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghệm Trung ương. Các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện việc sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai.
Trước đó, ngày 18/7/2019, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo Cục quản lý dược lô thuốc Bupivacain WPW không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu tính chất, độ trong (có dị vật lơ lửng). Ngày 19/7, Cục quản lý dược đã có công văn tạm dừng ngay loại thuốc này.
Báo cáo từ BV Sản nhi Quảng Ngãi cho rằng, thuốc Bupivacain WPW tại BV có những phản ứng: Mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, hiệu quả giảm đau và độ giản cơ không tốt.
Trong khi đó, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh Long An, Cần Thơ, Bến Tre đồng loạt phản ánh về thuốc gây tê Bupivacain WPW: Hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài, một số trường hợp gây sốc và co giật.