Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố Báo cáo Quốc gia về đa dạng sinh học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, cho đến nay nước ta đã có một khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Bùi Cách Tuyến đã chính thức công bố Báo cáo Quốc gia về Đa dạng sinh học năm 2011 của Việt Nam.

Đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Cơ quan phát triển Liên hợp quốc...và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự buổi lễ công bố.

Báo cáo Quốc gia về Đa dạng sinh học năm 2011 gồm 4 chương Tổng quan về hiện trạng đa dạng sinh học; Những nguyên nhân cơ bản làm suy giảm đa dạng sinh học; Hệ thống thể chế, chính sách và nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học; Xu hướng biến động của đa dạng sinh học và định hướng trong 5 năm tới.
 
Công bố Báo cáo Quốc gia về đa dạng sinh học - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: khoahoc.baodatviet.vn)

Tiến sỹ Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học-Tổng cục Môi trường cho biết: Báo cáo này được xây dựng trên nền tảng các thông tin, tư liệu do các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ có uy tín tại Việt Nam cung cấp, với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành hàng đầu của Việt Nam về đa dạng sinh học.

Với những thông tin có độ tin cậy cao, Báo cáo sẽ là cuốn cẩm nang hỗ trợ các cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình bảo tồn đa dạng sinh học sẽ tích hợp với các vấn đề bảo vệ môi trường khác và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, đồng thời là tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và phục vụ cộng đồng.

Trong buổi công bố Báo cáo Quốc gia về Đa dạng sinh học năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức Hội thảo góp ý vào dự thảo Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, dự kiến sau khi tiếp thu những ý kiến đóng góp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2013.

Theo nhận xét của Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, cho đến nay nước ta đã có một khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.

Đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 đã mở ra một bước ngoặc đối với công tác này, tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.

Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, trong những năm gần đây đa dạng sinh học của nước ta tiếp tục suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng với tốc độ cao. Vì vậy, các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là rất cần thiết, bởi nó là bộ phận không tách rời khỏi Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh xã hội, kinh tế và môi trường liên tục biến động như hiện nay./.