Công bố biểu trưng du lịch Quảng Ngãi
Chiều 23/6, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức công bố biểu trưng du lịch và đề án “Xây dựng chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Theo đó, khẩu hiệu thương hiệu du lịch Quảng Ngãi là “Khám phá Quảng Ngãi”-“Explore Quang Ngai”. Logo thương hiệu thể hiện đầy đủ các giá trị biểu trưng và định vị tên riêng của điểm đến, đáp ứng những yêu cầu về truyền thông, biểu trưng định hướng, phong cách đơn giản, trẻ trung nhằm thể hiện tính cách bình yên và thư thái của điểm đến, sức sống của du lịch Quảng Ngãi.
Logo được thiết kế mềm mại, thanh mảnh, đơn giản thể hiện sự bình yên và thư thái. Màu sắc chủ đạo của logo là xanh nước biển (biển đảo), màu đất (địa chất núi lửa), màu đỏ (thể hiện lịch sử hào hùng) và màu xanh lá (nông nghiệp, du lịch cộng đồng hướng tới phát triển du lịch bền vững).

"Hình ảnh đại diện du lịch biển đảo là Lý Sơn được thể hiện bằng hình khối núi lửa. Đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh được thể hiện bằng chữ Q cách điệu từ hình ảnh mộ chum; chữ G cách điệu từ khuyên tai đầu thú... Hình ảnh miệng núi lửa Lý Sơn được làm nổi bật ở trung tâm của logo trên nền du lịch biển, văn hóa Sa Huỳnh và cách điệu đôi chim hải âu bay trên biển đảo yên bình", ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Đối với đề án “Xây dựng chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nội dung quan trọng nhất là đề ra định hướng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi.
Đề án khẳng định, Quảng Ngãi có đa dạng các nguồn tài nguyên du lịch khác nhau, từ tài nguyên tự nhiên cho đến tài nguyên du lịch nhân văn. Trong tất cả tài nguyên hiện có, rõ ràng giá trị cốt lõi của du lịch Quảng Ngãi nằm ở tài nguyên du lịch biển đảo và văn hóa đặc sắc, mà đảo Lý Sơn và Văn hóa Sa Huỳnh là đại diện tiêu biểu. Đây là những tài nguyên có giá trị quốc gia và quốc tế, làm nền tảng để phát triển du lịch Quảng Ngãi.

Quan điểm của đề án là xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Quảng Ngãi bao hàm đại diện cho tất cả điểm đến của tỉnh, nhưng làm nổi bật tính đặc trưng, riêng có, giá trị cốt lõi nhất của tài nguyên du lịch Quảng Ngãi là du lịch biển đảo và văn hóa Sa Huỳnh; trong đó lấy Lý Sơn làm hạt nhân với đặc trưng núi lửa biển. Thương hiệu du lịch Quảng Ngãi làm định hướng cho phát triển hoạt động du lịch dựa trên giá trị tài nguyên, nhận thức hình ảnh điểm đến của du khách.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch; phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch của từng địa phương, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của thị trường; phát triển các sản phẩm du lịch mới, quà tặng lưu niệm…
Giai đoạn 2022 - 2025, tập trung ưu tiên thị trường nội địa, xác định thị trường nội địa là động lực, đòn bẩy để phục hồi và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong và sau đại dịch Covid-19. Phát triển hiệu quả tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh, liên vùng, phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi đón được 1,36 triệu lượt khách, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân 24,3%/năm.

Quảng Ngãi: "Hành trình đỏ năm 2022" vận động 600 đơn vị máu
Kinhtedothi - Chương trình "Hành trình đỏ năm 2022" với chủ đề "Quảng Ngãi - Giọt hồng gắn kết yêu thương" đặt mục tiêu vận động khoảng 600 đơn vị máu, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trên toàn tỉnh.

Quảng Ngãi: Cần khai thông “huyết mạch” ở Khu kinh tế Dung Quất
Kinhtedothi - Giao thông là huyết mạch của kinh tế, thế nhưng phần lớn các tuyến đường trục chính ở Khu kinh tế Dung Quất (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông và phát triển ở khu vực này.

Quảng Ngãi: Dạy bơi cho trẻ, cung vẫn chưa đủ cầu
Kinhtedothi- Trong khi hiểm họa đuối nước là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội, việc dạy bơi và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại Quảng Ngãi vẫn gặp nhiều khó khăn.