Công bố chỉ số PAPI 2017: Lạc quan về hiệu quả kiểm soát tham nhũng

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/4, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017 được chính thức công bố và cho thấy người dân lạc quan hơn về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công so với năm trước.

Tín hiệu mừng
Theo kết quả công bố, chỉ số lĩnh vực "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", đạt 6,15 điểm (năm 2016 đạt 5,8 điểm). Mức tăng này có ý nghĩa bởi từ năm 2013 đến nay, chỉ số này liên tục giảm và cho tới 2017 mới có dấu hiệu cải thiện.

Ngoài ra, không có tỉnh, TP nào trong toàn bộ 63 tỉnh, TP thụt lùi so với kết quả năm 2016. Quảng Bình, Bến Tre và Bạc Liêu trong nhóm 16 địa phương đạt điểm cao nhất, 5 trong 6 chỉ số lĩnh vực nội dung gồm "công khai minh bạch", "trách nhiệm giải trình với người dân", "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", "thủ tục hành chính công" và "cung ứng dịch vụ công" được ghi nhận với nhiều cải thiện.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng.
Trong đó, tỷ lệ người dân trả lời rằng họ phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 23% năm 2016 xuống còn 17%. Tỷ lệ người phải đưa hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến quận/huyện giảm từ 17% năm 2016 xuống còn 9%.

Ngoài những điểm sáng và thay đổi tích cực như trên, năm 2017 vẫn ghi nhận một số vấn đề đáng lo ngại. Trong lĩnh vực quản trị đất đai, mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất tiếp tục giảm, cho dù đã ở mức thấp trong nhiều năm qua. Năm 2014, 36% số người bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường; đến năm 2017, tỷ lệ này giảm xuống còn 21%. Ngoài ra, điểm chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và “Trách nhiệm giải trình” vẫn rất thấp.

Nhìn chung, mặc dù người dân đánh giá nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền năm 2017 tốt hơn vài năm trước, song mức độ hài lòng chưa đạt mức của năm 2012. Do đó, các cơ quan thực hiện khảo sát PAPI đưa ra khuyến cáo, những nỗ lực kiểm soát tham nhũng vẫn cần được duy trì.

Hà Nội tăng 2 chỉ số thành phần

Trước kết quả đáng “báo động” về Chỉ số PAPI năm 2016 chỉ xếp ở nhóm thấp, ngày 25/7/2017, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 177/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của TP. Đồng thời, với “Năm kỷ cương hành chính”, bộ máy chính quyền các cấp TP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo chuyển biến tích cực.

Theo kết quả công bố lần này đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi chỉ số PAPI tổng hợp năm 2017 của Hà Nội đã tăng so với năm 2016, với 2 chỉ số thành phần tăng điểm là "công khai, minh bạch" và "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công". Đặc biệt, ở chỉ số "cung ứng dịch vụ công" của Hà Nội, thuộc nhóm trung bình cao có 2 nội dung là dịch vụ giáo dục tiểu học công lập và cơ sở hạ tầng căn bản.

Để đạt được điều đó, trong năm qua, các xã, phường đã tăng công khai những nội dung chủ yếu liên quan đến dân sinh như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quyết toán thu chi ngân sách, dự toán ngân sách, kế hoạch sử dụng đất của năm. Việc công khai, minh bạch về công nhận hộ nghèo, mức đền bù thu hồi đất… cũng được tăng thêm hình thức như cử cán bộ tới tiếp xúc trực tiếp, phát thanh trên hệ thống truyền thanh địa phương... Công tác phòng ngừa tham nhũng của TP cũng chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc công khai hoạt động tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ cơ bản đi vào nền nếp.

Năm 2017, Hà Nội đã tập trung vào cải cách TTHC, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp. Điều đó đã được người dân ghi nhận qua khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2017: 70% người dân đánh giá tương đối tốt và tốt trong công tác giải quyết TTHC của cơ quan hành chính Hà Nội.

Đáng nói, ở chỉ số "cung ứng dịch vụ công" của Hà Nội, thuộc nhóm trung bình cao có 2 nội dung là dịch vụ giáo dục tiểu học công lập và cơ sở hạ tầng căn bản. Trong đó, kết quả việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một trong những điểm nhấn của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm học qua (đạt 48,5%) với trang thiết bị trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa.

Về hạ tầng căn bản, TP đã thực hiện nhiều giải pháp để quy hoạch giao thông đô thị, tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn, 100% người dân đô thị được cấp nước sạch và phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân toàn TP sẽ được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn “uống được tại vòi”.

Tiếp tục tạo đột phá để nâng chỉ số

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng theo công bố chỉ số PAPI 2017 chính thức, Hà Nội vẫn chưa nằm trong nhóm trung bình của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Theo khảo sát về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính, 49% người dân đánh giá chưa tốt và bình thường; 38% đánh giá tương đối tốt; 13% đánh giá tốt.

Ngoài việc TP chậm ban hành kế hoạch khắc phục chỉ số PAPI của năm 2016 dẫn đến việc triển khai chậm, còn do các các cấp chính quyền, lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến chỉ số này. Năng lực lãnh đạo của một bộ phận cán bộ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc từ chối giải quyết hoặc chậm giải quyết công việc, TTHC, khiếu nại của người dân.

Như lãnh đạo TP đã nhận định, việc chấm điểm, xếp hạng về chỉ số quản trị hành chính công là đưa ra những tín hiệu để các đơn vị tự đánh giá mình, xem lại mình và khắc phục. Chính vì thế, để phấn đấu đưa chỉ số PAPI xếp ở nhóm trung bình của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, TP vừa tiếp tục ban hành Kế hoạch 69 nhằm cải thiện nâng cao Chỉ số PAPI năm 2018, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến đất đai. Đồng thời yêu cầu các đơn vị xác định nội dung phù hợp để triển khai quyết liệt, tạo sự đột phá và chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.

 

PGS. TS Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Công cụ hiệu quả để thực thi và giám sát thực thi chính sách

PAPI phản ánh sự nhìn nhận của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền địa phương trên cả nước.

Đây là công cụ hiệu quả để thực thi và giám sát thực thi chính sách, thúc đẩy cải cách tại Việt Nam.


Nguyên ĐB Quốc hội Bùi Thị An: Cần tiếp tục tăng tính minh bạch

Hai chỉ tiêu “công khai - minh bạch” và “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” này có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng bền vững của bất kỳ quốc gia hay địa phương nào.
 

Để tăng được điểm trong 2 chỉ số này của Hà Nội, năm qua, trước tiên là nhờ sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TP trong việc phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong từng công việc cụ thể, trong đó đặc biệt đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kể từ Chủ tịch, Bí thư cấp phường, xã.

Chính việc giao thêm quyền gắn với thêm trách nhiệm cho cán bộ, đi liền với giám sát trách nhiệm người đứng đầu đã góp phần lớn tạo nên kết quả này. (Thùy Linh ghi)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần