Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Công bố Chỉ số PAPI năm 2024: đòi hỏi đẩy nhanh tốc độ cải thiện chất lượng dịch vụ công

Kinhtedothi-Chỉ số PAPI năm 2024 có chuyển biến tích cực, nhưng cần đẩy nhanh tốc độ cải thiện. Đó là vấn đề đáng chú ý rút ra từ Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024 diễn ra hôm nay (15/4) tại Hà Nội.

Sự kiện do do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức.

Cải thiện 7/8 chỉ số nội dung

Báo cáo Chỉ số PAPI lần thứ 16 (năm 2024) ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Kết quả cho thấy người dân đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền ở 7/8 chỉ số nội dung PAPI đo lường năm 2024 cao hơn so với năm 2023.

Trong số 8 chỉ số nội dung, có 4 chỉ số ghi nhận những bước tiến đáng kể: “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” (Chỉ số nội dung 2), “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (Chỉ số nội dung 4), “Quản trị môi trường” (Chỉ số nội dung 7) và “Quản trị điện tử” (Chỉ số nội dung 8).

3 chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (Chỉ số nội dung 1), “Trách nhiệm giải trình với người dân” (Chỉ số nội dung 3) và “Cung ứng dịch vụ công (DVC)” (Chỉ số nội dung 6) có một số tiến bộ. Chỉ có Chỉ số nội dung 5 “Thủ tục hành chính (TTHC) công” không cho thấy sự cải thiện rõ nét.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị công bố Chỉ số PAPI 2024

Khảo sát ghi nhận sự hài lòng hơn của người dân đối với Hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024. Đặc biệt, Báo cáo PAPI 2024 nhấn mạnh những cải thiện ở các chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”. Dù đã có những bước tiến quan trọng, dư địa để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị công nói chung còn rất lớn.

Chỉ có 3 trong số 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công được PAPI đo lường, gồm kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và DVC đạt được điểm số khá từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc.

Tham nhũng vẫn là mối quan ngại lớn

Mặc dù đã đạt những bước cải thiện tích cực, song Chỉ số PAPI năm 2024 vẫn cho thấy một số điểm quan ngại. Trong đó, tham nhũng nổi lên là mối quan ngại lớn nhất của người dân trong năm 2024, với 22,58% số người trả lời khảo sát cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới (tăng 17% so với năm 2023).

Sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ người dân cho rằng đây là vấn đề hệ trọng có thể là do tác động của việc đưa ra xét xử nhiều vụ đại án liên quan đến tham nhũng trong năm 2024 và sự chú ý của dư luận đối với công cuộc chống tham nhũng đang được Đảng và Chính phủ thực hiện quyết liệt ở cấp quốc gia.

Đáng chú ý, yêu cầu của người dân về việc tập trung xử lý tham nhũng này có sự tương phản với những ghi nhận của họ về những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương. Theo kết quả khảo sát năm 2024, tỷ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa “lót tay” khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc DVC đã giảm so với năm 2023.

Từ đó, Báo cáo khuyến nghị chính quyền các cấp tăng cường tính minh bạch trong cung ứng DVC, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ người tố cáo ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.

Quang cảnh Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024

Cũng theo báo cáo PAPI 2024, tỷ lệ người trả lời khảo sát đánh giá tình hình kinh tế hộ gia đình là “kém” hoặc “rất kém” đã giảm xuống 10,2% trong năm 2024 - mức thấp nhất kể từ năm 2019. Mặc dù vậy, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng quan ngại đứng thứ hai (sau tham nhũng), với tỷ lệ 14,2% số người được hỏi đề cập đến vấn đề này.

Tiếp theo là việc làm, với 12,64% số người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Tuy Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,09% vào năm 2024 nhưng sự bất an trong đánh giá về điều kiện kinh tế hộ gia đình, đặc biệt của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, vẫn là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

“Độ bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế. Khảo sát PAPI 2024 cho thấy chỉ có 29% số người trả lời có bảo hiểm xã hội, và tỷ lệ này ở nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức và dân tộc thiểu số còn thấp hơn đáng kể. Việc mở rộng độ bao phủ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ góp phần giảm thiểu những quan ngại của người dân về đói nghèo và bất ổn kinh tế”- Đại sứ Ai-len tại Việt Nam Deirdre Ní Fhallúin.

Ngoài ra, Báo cáo cũng nhấn mạnh tác động của các thảm họa liên quan khí hậu đối với cảm nhận của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình. Phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy, khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, cảm giác dễ bị tổn thương của người dân nói chung gia tăng, với gần 40% số người trả lời cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã chịu tác động trực tiếp từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua.

Tại hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2024, PGS. TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, kết quả điều tra của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng DVC, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.

Còn theo bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận DVC một cách công bằng thông qua các cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025.

“Những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam”- bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Chỉ số PAPI 2024  của TP Hà Nội xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, đạt 43,7747 điểm (giảm 0,1856 điểm, giảm 14 bậc), thuộc nhóm 2 (nhóm Trung bình cao).

Với kết quả này, TP Hà Nội hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ - xếp nhóm 2 (đầu nhiệm kỳ, năm 2020, Hà Nội xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm 4 - nhóm Thấp). 

Cụ thể, có nhiều nội dung tăng điểm như: “Trách nhiệm giải trình với người dân” xếp thứ 24/63, tăng 3 bậc, tăng 0,0866 điểm, chỉ số này nằm trong nhóm “Trung bình cao”, đạt 4,2760 điểm; chỉ số “Quản trị môi trường” xếp thứ 58/63, tăng 3 bậc, tăng 0,0038 điểm; “Quản trị điện tử” xếp thứ 1/63 (giữ hạng), tăng 0,0727 điểm...

Có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm điểm cao gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đạt 5,4275 điểm; “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, đạt 5,6707 điểm; “Cung ứng dịch vụ công”, đạt 7,8486 điểm; “Quản trị điện tử”, đạt 3,9728 điểm...

So sánh với 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ số PAPI năm 2024 TP Hà Nội đứng thứ 2/6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau TP Huế mới bổ sung. Cụ thể, Huế xếp thứ 11, TP Hồ Chí Minh xếp thứ 40, Hải Phòng xếp thứ 41, Đà Nẵng xếp thứ 45, Cần Thơ xếp thứ 59.

Thủ tướng:chuyển trạng thái "xin" sang "chủ động" cung cấp dịch vụ công cho người dân

Thủ tướng:chuyển trạng thái "xin" sang "chủ động" cung cấp dịch vụ công cho người dân

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông: bảo đảm sử dụng kinh phí hiệu quả, không thất thoát, lãng phí

Tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông: bảo đảm sử dụng kinh phí hiệu quả, không thất thoát, lãng phí

16 Apr, 09:21 PM

Kinhtedothi - Ngày 16/4, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2068/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quyết định số 1517/QĐ-UBND ngày 09/5/2022 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành đơn giá tạm thời dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ