Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố kết quả chính thức kinh tế - xã hội thành phố năm 2013

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/2, Người phát ngôn của VP UBND TP Hà Nội cho biết thông tin kết quả phiên họp tập thể UBND TP tháng 2/2014, diễn ra trong hai ngày 20 và 21/2/2014, cho số liệu chính thức kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP Hà Nội năm 2013; các ý kiến về một số cơ chế chính sách mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Kết quả kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2013.

Ngày 18/11/2013, UBND TP đã có Báo cáo số 203/BC-UBND về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2013, trong đó ước thực hiện một số chỉ tiêu KTXH năm 2013. Tuy nhiên, theo báo cáo đến 31/12/2013 của các sở, ngành, tập thể UBND TP đã bổ sung và thống nhất số liệu về kết quả kinh tế - xã hội thực hiện năm 2013 như sau:

Về thu, chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 163.075 tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán HĐND TP giao. Trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu NSNN theo phân cấp tính trong cân đối là 48.727 tỷ đồng, đạt 85,6% dự toán, giảm 8.198 tỷ đồng so với dự toán đầu năm. Chi ngân sách địa phương thực hiện 54.076 tỷ đồng, đạt 99,3% dự toán sau điều chỉnh và bằng 93,9% so với dự toán HĐND TP thông qua.

Về kiểm soát giá cả, lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 6,37% (năm 2012 là 8,57%). Về phát triển doanh nghiệp (DN): Đã cấp mới và điều chỉnh 378 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 1,13 tỷ USD. Năm 2013, có 14.862 DN đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp với số vốn khoảng 109 nghìn tỷ đồng. Về an sinh xã hội: Thành phố tích cực quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Duyệt cấp 265.088 thẻ BHYT cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Hỗ trợ 20.678 hộ thoát nghèo (vượt 25,3%  kế hoạch). Năm 2013, đấu giá  QSDĐ trên địa bàn đạt 2.047 tỷ đồng (bằng 102,3% kế hoạch). Về xây dựng nông thôn mới: Có 55 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Tạo thuận lợi thu hút đầu tư

Hội nghị cũng đã cho ý kiến về Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước của TP Hà Nội trong việc quản lý các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn sau cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư: Quy chế phối hợp nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư FDI tương xứng với vị thế, yêu cầu phát triển và tiềm năng của TP. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu và quy định trách nhiệm cụ thể của các ngành, phương thức xử lý từng vấn đề cụ thể để tránh tình trạng quản lý chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường thực hiện cải cách hành chính đảm bảo môi trường thuận lợi cho các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động hiệu quả; góp phần tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, minh bạch và từng bước cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào TP.

Hội nghị đã thông qua Đề án thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công cộng xã hội, nhằm cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các đối tượng có nhu cầu và góp phần thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội của Thủ đô. UBND TP giao Sở Nội vụ hoàn thiện Đề án trình UBND TP phê duyệt trong quý I/2014.

Khuyến khích tự lo tái định cư

Điểm mới của hội nghị bàn thảo là, cho ý kiến về chính sách hỗ trợ tự lo tái định cư (TĐC) bằng tiền đối với các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được bố trí TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện một số dự án trọng điểm trên địa bàn. Mục tiêu thu hồi đất GPMB phải đảm bảo chăm lo, hỗ trợ cho nhân dân với quan điểm nơi ở mới phải có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Đây là chính sách có tính chất bổ sung cho chính sách hiện hành, đối tượng áp dụng là những người được mua nhà TĐC nhưng không có nhu cầu mua nhà và tự lo được nhà ở, tự nguyện nhận tiền hỗ trợ thay vì nhận nhà TĐC. Người dân đề nghị được tự lo TĐC bằng tiền và có trách nhiệm kê khai rõ nơi tái định cư làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xem xét thực hiện các cơ chế chính sách cụ thể. TP cho phép áp dụng thí điểm chính sách này đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông; Giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện tờ trình, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

Hội nghị cũng cho ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại các quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì: Đồ án có quy mô diện tích đất nghiên cứu là 2.237 ha với quy mô dân số tính toán đến năm 2050 khoảng 258 nghìn người. UBND TP đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì tổ chức họp với Sở Xây dựng, Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các quận, huyện liên quan và lấy ý kiến cộng đồng; thống nhất phương án cụ thể về công viên – hồ nước, làm “sống” lại dòng sông Tô Lịch, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân, các dự án bảo vệ môi trường, giải quyết rác thải, thoát nước… phù hợp với thực tiễn, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển để cập nhật vào đồ án quy hoạch phân khu H2-3. Giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội có trách nhiệm tiếp thu, bổ sung và hoàn chỉnh đồ án trình Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, thống nhất báo cáo UBND TP trong quý I/2014.