Công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

Sau 28 ngày làm việc, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết gồm: Luật Đầu tư công; Luật Hải quan sửa đổi; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị quyết về việc ra nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể với trang bị tàu bay…

Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 16 dự án luật như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều vủa Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân…

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ sử dụng nguồn tăng bộ chi ngân sách Nhà nước và giảm chi ngân sách Trung ương năm 2013, trong đó, sử dụng 44.673,7 tỷ đồng đê chi theo quy định của Luật Ngân sách và các nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát bieenrm Kiểm ngư 16.000 tỷ đồng; chi một số khoản thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công…

Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét các báo cáo công tác từ Kỳ họp thứ 6 đến Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội… và các báo cáo chuyên đề khác; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012”. Trên cơ sở giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Liên quan đến vấn đề sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội khẳng định, chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân. Tuy nhiên, qua thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của các đại biểu, nhất là quy định về thời hạn, thời điểm và mức độ tín nhiệm. Đây là vấn đề hệ trọng, cần có sự đồng thuận cao trước khi quyết định, Quốc hội đã giao các cơ quan liên quan tiếp tục lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của cử tri, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau; đồng thời, quyết định tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp cuối năm 2014.

Về tình hình Biển Đông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, ngay trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông; việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ngày 21/5/2014 Quốc hội đã ra Thông cáo số 2 bày tỏ quan điểm, thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bản Thông cáo số 2 được xem như tuyên bố của Quốc hội.

Ngoài ra, trước hành động các tàu của Trung Quốc luôn chủ động áp sát, đe dọa, đâm, va, làm hư hại, chìm tàu, gây thương vong cho lực lượng thi hành pháp luật và ngư dân Việt Nam, ngày 6/6/2014 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Trần Văn Hằng đã gửi thư cho Tổng thư ký các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại nghị viện các nước đề nghị đề nghị đại biểu quốc hội và Nghị viện các nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam, có biện pháp cần thiết, lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền Việt Nam, rút ngay giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 và các lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.