Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố kết quả xếp hạng đại học Việt Nam: Tạo động lực cạnh tranh giữa các trường

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (6/9), lần đầu tiên Nhóm Xếp hạng đại học (ĐH) Việt Nam sẽ công bố kết quả xếp hạng 49 trường trong nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng, kết quả xếp hạng sẽ góp phần tạo động lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho giáo dục ĐH.

Đại học Việt Nam cần được xếp hạng

Cho đến nay, ĐH Việt Nam chưa được xếp hạng một cách có định lượng. Điều này thể hiện rõ nhất trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới như Times Higher Education, World University Rankings, Webometrics... cho đến năm 2017 Việt Nam chưa có trường ĐH nào lọt vào danh sách Top 1.000. Bảng phân tầng ĐH thành 3 hạng theo Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa được công bố. Trong bối cảnh này, nhiều trường ĐH Việt Nam vẫn gặt hái được những thành tựu nhất định nhưng lại đang đối diện với không ít thách thức và hạn chế. Các trường thiếu động lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng, không có sự kích thích trong minh bạch thông tin cũng như hội nhập quốc tế.
 Sinh viên trường Đại học Sư phạm I trên giảng đường. Ảnh: Nguyễn Trung

Vì thế, lần đầu tiên, Nhóm Xếp hạng ĐH Việt Nam phân hạng 49 trường ĐH có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường đã thu thập được từ năm 2014. Để thực hiện công việc này, trước tiên Nhóm nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng ĐH toàn diện, tương tự như các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới, dựa trên 5 nguyên tắc. Đó là, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng đến chuẩn mực quốc tế. Do vị thế của trường ĐH chủ yếu nằm ở sản phẩm đào tạo và nguồn lực nên Nhóm đánh giá thông qua chất lượng của các hoạt động nghiên cứu, được đo bằng kết quả đã công bố, đề tài khoa học. Cùng với đó là chất lượng của các hoạt động đào tạo được đo bằng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, giảng viên/sinh viên, chất lượng đầu vào; quy mô cơ sở vật chất; chất lượng quản trị; cơ sở vật chất làm nền tảng đảm bảo một môi trường học thuật có chất lượng.

Các đại học quốc gia có thứ hạng cao

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ĐH quốc gia và ĐH vùng có lịch sử lâu đời, quy mô lớn đều đứng ở thứ hạng cao. Đứng thứ nhất trong Top 5 là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng ở vị trí thứ 4 và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thứ hạng 5. Trong Top 10 trường hàng đầu còn có các trường ĐH lớn truyền thống khác như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 3, ĐH Cần Thơ xếp thứ 6, ĐH Bách khoa Hà Nội vị trí thứ 7, ĐH Sư phạm Hà Nội thứ 10. Một số trường ĐH mới thành lập chưa lâu, ít được biết đến hơn nhưng lại có vị trí cao trong bảng xếp hạng. Đó là Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng thứ 2, Trường ĐH Duy Tân đứng thứ 9. Theo phân tích của Nhóm, những trường có thứ hạng cao chủ yếu là có thành tích trong công bố quốc tế.

Điều ngạc nhiên nữa, các trường ĐH khối kinh tế nổi tiếng, là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều học sinh giỏi lại có xếp hạng trung bình. Đơn cử như trường ĐH Ngoại thương đứng thứ 23, ĐH Thương mại xếp thứ 29, ĐH Kinh tế quốc dân đứng ở vị trí 30, Học viện Tài chính đứng thứ hạng 40. Nhóm Xếp hạng ĐH cho rằng, sự hiện diện của các trường này trên những ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt. Các trường này muốn vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng thời gian tới, cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là công bố quốc tế. Bảng xếp hạng cũng cho thấy, sức ép cạnh tranh sẽ khiến các trường ĐH không dựa được vào ánh hào quang “truyền thống” mà đầu tư theo chiều sâu vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhóm Xếp hạng ĐH Việt Nam kỳ vọng, bảng xếp hạng độc lập này sẽ trở thành nguồn tham khảo uy tín cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường cũng như mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng ĐH cho các năm tới.