Công bố mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (19/10), Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã cùng phối hợp công bố báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI).

Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng cho biết, hiện Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để nhằm phục vụ người dân tốt hơn, Kinh tế số giúp người dân giàu hơn và Xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.
Quang cảnh buổi công bố bộ chỉ số DTI 2020
Về phía các bộ, ngành chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là đưa CNTT vào trong hoạt động hay thực hiện trong khuôn khổ đơn vị mình mà còn đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy quá trình này trong những lĩnh vực mà mình quản lý. Đối với địa phương cũng cần giữ vai trò đầu tàu về chuyển đổi số trong phạm vi địa phương đó.
Chuyển đổi số là cả một quá trình, không phải là đích đến. Muốn chuyển đổi số thành công, phải có “thước đo” để biết có đi đúng hướng hay không, đang đi tốc độ nào. Cụ thể, chúng ta cần 1 bộ chỉ số đo lường về mức độ chuyển đổi số. Với việc lần đầu tiên công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh trong năm 2020, đây có thể coi là một bộ chỉ số để các bộ, tỉnh tự đánh giá về mức độ chuyển đổi số của chính mình, Thứ trưởng Nguyễn Duy Dũng nói thêm.
Về phía VDCA, Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng cho rằng, DTI 2020 sẽ là "chỉ dấu" quan trọng để các bộ, tỉnh biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện. Để từ đó ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho chuyển đổi số sâu rộng trong ngành và địa phương mình quản lý.
Theo báo cáo, DTI 2020 ở mức độ cấp bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982 và các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342. Trong đó lần lượt Bộ Tài chính và Đài Truyền hình Việt Nam là các đơn vị xếp thứ nhất.
Về phía cấp tỉnh, DTI 2020 trung bình ở mức 0,3026. Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số cùng với đó là xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Các vị trí tiếp theo trong lần lượt là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang...
Cũng theo báo cáo, trong năm 2020, quá trình chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện rất tốt, tạo thuận lợi cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp có thể thuận lợi tham gia vào chuyển đổi số. Hiện có 12/63 tỉnh, TP đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần