Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực 1/7/2021

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 31/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 9/12.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, gồm 7 chương với 58 điều. Trong đó, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sỹ như dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, diễn tập hoặc nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản nhà nước, của nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
 Quang cảnh cuộc họp báo
Về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh: Pháp lệnh không tiếp tục quy định xem xét công nhận bệnh binh mới. Chỉ công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong quân đội nhân dân, công an nhân dân tại khoản 1 Điều 26. Bổ sung các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng tại các điểm g, h, i và k khoản 2 Điều 5 về: Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với đất ở; chế độ ưu tiên giao hoặc thuê đất, ưu tiên giao, khoán bảo vệ và phát triển rừng; chế độ vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Và bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân người hoạt động cách mạng tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 điều 13 trong đó quy định bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng (trước đây chỉ được hưởng khi người hoạt động cách mạng chết).
Phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nước ngoài có công với cách mạng và giao Chính phủ quy định cụ thể. Pháp lệnh đã mở rộng đối tượng người bị địch bắt, tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc: Người được Nhà nước khen tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương chiến thắng; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống
Tại cuộc công bố Lệnh, liên quan đến việc người có công thực sự nhưng lại gặp nhiều vướng mắc trong giấy tờ Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) Đào Ngọc Lợi cho biết, trong Pháp lệnh quy định cụ thể việc giải quyết hồ sơ tồn đọng với tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đảm bảo tính pháp lý theo từng thời kỳ. “Vừa qua Bộ LĐLĐ&XH đã ban hành Quyết định 408 giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đến nay đã giải quyết cơ bản số hồ sơ đã hoàn thiện qua các thời kỳ mà đã đủ điều kiện và chỉ vận dụng thủ tục hồ sơ đã giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng của các địa phương là hơn 6.000 hồ sơ. Hiện nay thì trong Pháp lệnh đã quy định, Chính phủ sẽ quy định tất cả những hồ sơ thủ tục để xem xét xác nhận những người không còn giấy tờ gốc, những đối tượng mà đã hoàn thiện hồ sơ nhưng chưa được xem xét quyết định.  Pháp lệnh đã có quy định cụ thể và tùy theo từng giai đoạn lịch sử thì chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn” – ông Đào Ngọc Lợi cho biết.