Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/4, Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố "Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020". Theo số liệu về đăng ký doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong đó TP Hồ Chí Minh đứng đầu với 239.623 doanh nghiệp, Hà Nội đứng thứ 2 với 155.940 doanh nghiệp.

Năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới

Vị trí top 1 và 2 cách biệt so với vị trí thứ 3 Bình Dương (31.599 doanh nghiệp) và thứ 4 là 22.566 doanh nghiệp của Đà Nẵng.

Theo khu vực kinh tế: Tại thời điểm 31/12/2019, có 508.770 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của cả nước, tăng 6,9% so với cùng thời điểm năm 2018. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 doanh nghiệp, chiếm 31,6%, tăng 5,1%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, giảm 6,3%.

 Quang cảnh lễ công bố

Năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 nhiều nhất với 99.548 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 doanh nghiệp, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.029 doanh nghiệp, tăng 9,9%.

30/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (5,2%), trong đó một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng so với năm 2018: Bắc Ninh tăng 17,8%; Bình Dương tăng 11,6%; Hà Nội tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 6,0%.

10/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn tốc độ tăng bình quân chung cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh có số doanh nghiệp thành lập mới chiếm 32,4% cả nước, tăng 3,6% so với năm 2018.

23/63 địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 giảm so với năm 2018, trong đó 6/20 địa phương có số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 lớn (trên 1000 doanh nghiệp) giảm so với năm 2018 gồm: Nghệ An giảm 6,5%; Hải Phòng giảm 6,4%; Kiên Giang giảm 5,8%; Thanh Hóa giảm 4,4%; Quảng Ninh giảm 3,0%; Khánh Hòa giảm 1,2%.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước phát triển chưa như kỳ vọng

Cũng theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành thống kê tại thời điểm 31/12/2018, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9,0% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.

Về kết quả hoạt động kinh doanh: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có kết quả kinh doanh hiệu quả, tiếp đến là doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả nhất. Cụ thể: 

2.260 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2018, chiếm 0,4%, giảm 9,1% so với thời điểm 31/12/2017; 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2%; 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 19,3%).

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 9,2% (trong đó có 258.722 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 43,7%; có 45.308 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,7%; có 287.469 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,6%).

Khu vực doanh nghiệp FDI có 16.878 doanh nghiệp, chiếm khoảng 2,7% số doanh nghiệp cả nước, tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2017 (trong đó, có 8.689 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 51,5%; có 326 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 1,9%; có 7.863 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 46,6%).

Về thu nhập của người lao động. Các địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 trên 9 triệu đồng một tháng, gồm: TP Hồ Chí Minh 10,3 triệu đồng; Hà Nội 10,1 triệu đồng; Đồng Nai 9,8 triệu đồng; Quảng Ninh và Bắc Ninh cùng có mức thu nhập 9,5 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 9,3 triệu đồng. Chỉ có 3/63 địa phương có mức thu nhập bình quân tháng một lao động dưới 5 triệu đồng: Điện Biên 4,3 triệu đồng; Đắk Lắk 4,6 triệu đồng; Sơn La 4,9 triệu đồng.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đơn vị được giao chủ trì xây dựng Sách trắng cho biết Sách trắng, cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng doanh nghiệp là căn cứ để so sánh hiệu quả kinh tế, là sự khẳng định của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất, phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Bên cạnh công bố “Sách trắng doanh nghiệp”, Tổng Cục Thống kê cũng ban hành "Sách trắng hợp tác xã Việt Nam" nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu, sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương.