Theo thông cáo của Văn phòng Phát Ngôn viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công bố sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ - ASEAN. Sáng kiến Tương lai Y tế này bao trùm các hoạt động hợp tác đã có và đang diễn ra giữa Hoa Kỳ với ASEAN trong lĩnh vực y tế cộng đồng và đặt nền móng cho quan hệ đối tác lâu dài, hỗ trợ có mục tiêu và trọng tâm mới dành cho nguồn lực cơ bản nhất của tất cả chúng ta - sức khỏe và sự bình an của dân số một tỷ người dân của cả hai bên.
Trong hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 3,5 tỷ USD cho các mục tiêu y tế chung thông qua hợp tác với các nước ASEAN, thể hiện mức độ hợp tác cao nhất trong lịch sử theo một cách nghiêm túc và lâu dài.
Khoản hỗ trợ này đã đặt nền móng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực y tế cộng đồng trong toàn bộ khu vực, và là cơ sở để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên. Hỗ trợ của Hoa Kỳ cho ASEAN tiếp tục đáp ứng kịp thời nhu cầu của khu vực, bao gồm 35,3 triệu USD được công bố ngày 22/4 nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các nước thành viên ASEAN chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo |
Thông cáo cho biết: "Chúng ta đã thúc đẩy các mục tiêu chung của cả hai bên trong nhiều lĩnh vực khác nhau vì một tương lai khỏe mạnh, bao gồm phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, mở rộng tiếp cận nước sạch, cải thiện dinh dưỡng, và sức khỏe bà mẹ & trẻ em. Cùng với nhau, chúng ta đã và đang tiến hành những nghiên cứu y tế chung, tăng cường năng lực y tế trên toàn khu vực và nỗ lực phát triển thế hệ nhân lực tiếp theo. Chúng ta cũng đang tìm kiếm những giải pháp y tế cho các thành phố thông minh trong khuôn khổ Đối tác các Thành phố Thông minh Hoa Kỳ-ASEAN".
Theo đó, sáng kiến này bao gồm 3 nội dung chính là Nghiên cứu, Tăng cường hệ thống năng lực y tế và Phát triển nguồn nhân lực về y tế.
Về nghiên cứu: Tri thức khoa học là yếu tố căn bản nhằm hiểu rõ và chẩn đoán được bệnh tật, cũng như phát triển các phương pháp điều trị mới. Hoạt động hợp tác nghiên cứu trong khu vực ASEAN bao gồm:
Hơn 1.000 dự án nghiên cứu trong vòng 10 năm gần đây, bao gồm hơn 300 các dự án nghiên cứu đang thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và hơn 20 viện thuộc Các Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ;
Hơn 30 triệu USD hỗ trợ nghiên cứu trực tiếp trong 10 năm gần đây cho các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu của chính phủ;
Hỗ trợ cho các thử nghiệm dự phòng HIV, thử nghiệm các hợp chất khử trùng, thử nghiệm lâm sàng AIDS, dịch tễ học về bệnh lao, cũng như những thử nghiệm lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm.
Về tăng cường hệ thống năng lực y tế: Các hệ thống y tế mạnh mẽ là yếu tố thiết yếu để người dân được khỏe mạnh và năng động, cũng như ứng phó được những nguy cơ và mối đe dọa về y tế mới nổi. Hợp tác tăng cường năng lực cho ASEAN bao gồm:
Hỗ trợ chăm sóc và dịch vụ y tế chất lượng, cũng như tăng cường phạm vi bao phủ tới mọi người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất;
Phát triển các quan hệ đối tác công-tư nhằm tăng cường sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Quan hệ đối tác công-tư giữa USAID và các công ty của Mỹ đã giúp nâng cao khả năng phát hiện và điều trị bệnh lao, hỗ trợ hàng ngàn bệnh nhân trên khắp ASEAN được tham gia điều trị bệnh lao và điều trị lao kháng thuốc;
Phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS. Hơn 150.000 bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc ARV nhờ những nỗ lực chung giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang được dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trong chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS có thể làm chủ hoàn toàn các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của mình trước cuối năm 2020, thông qua huy động các nguồn lực trong nước và đảm bảo nguồn tài chính bền vững;
Duy trì hỗ trợ cho ASEAN nhằm giảm thiểu bệnh lao và sốt rét trong khu vực. Lấy ví dụ, số lượng các ca nhiễm sốt rét tại Lào đã giảm 70% trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2017;
Trung tâm Điều hành Phát hiện Dịch bệnh Toàn cầu thuộc Các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ giám sát và báo cáo về việc bùng phát dịch bệnh và nguy cơ đối với các cộng đồng trên toàn thế giới, bao gồm 44 đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong khu vực ASEAN trong giai đoạn 2014-2019, giúp giảm nguy cơ lây lan của các bệnh này;
USAID đang phối hợp với Ban Thư ký ASEAN xây dựng một Hệ thống Điều phối Khẩn cấp Y tế Cộng đồng, giúp tập hợp các cơ chế hiện có trong ASEAN, ví dụ như Mạng lưới các Trung tâm Điều hành Khẩn cấp ASEAN, nhằm chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng mới nổi.
Về phát triển nguồn nhân lực về y tế: Xây dựng một thế hệ các nhân viên chăm sóc y tế tiếp theo là yếu tố then chốt trong các mục tiêu chung của hai bên để có một tương lai khỏe mạnh. Các nỗ lực bao gồm:
Thông qua Mạng lưới Cựu sinh viên trong khuôn khổ sáng kiến Tương lai Y tế Hoa Kỳ - ASEAN, Hoa Kỳ sẽ kết nối 2.400 các cựu học giả tham cứu và cựu sinh viên ASEAN từng tham dự các chương trình đào tạo về y tế và y tế cộng đồng tại Hoa Kỳ để họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất và trực tiếp phối hợp với các chuyên gia Hoa Kỳ;
Hỗ trợ các y bác sĩ, thực tập sinh về y tế cộng đồng và sinh viên các ngành khoa học ASEAN được tham gia học tập kinh nghiệm và tri thức của Hoa Kỳ thông qua các chương trình trao đổi giáo dục Fulbright, Chương trình Lãnh đạo Toàn cầu, cũng như các chương trình trao đổi công dân khác;
Đào tạo cho hơn 1.300 chuyên gia phát hiện dịch bệnh trên toàn bộ ASEAN nhằm theo dấu dịch bệnh, nghiên cứu các đợt bùng phát dịch và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế;
Xây dựng những mạng lưới Một Sức khỏe các trường đại học (4 quốc gia, một khu vực) nhằm chuẩn bị được nguồn nhân lực y tế nhằm ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm, thông qua đó đã đào tạo được hơn 10.000 sinh viên và chuyên gia y tế kể từ năm 2014 đến nay.
Tăng cường khám chữa bệnh từ xa và y bạ điện tử nhằm hỗ trợ các thành phố và cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ và thông tin một cách hiệu quả.