Cổng cho đô thị: Chuyện không mới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Làng có cổng làng, đất nước có quốc môn (cửa khẩu quốc gia, quốc tế), vậy đô thị có cổng cũng không có gì là lạ. Nhất là khi mà đô thị Việt Nam phần nhiều được hình thành, phát triển từ điểm dân cư nông thôn, làng xã, đô thị hóa dần dần mà hình thành nên.

KTĐT - Làng có cổng làng, đất nước có quốc môn (cửa khẩu quốc gia, quốc tế), vậy đô thị có cổng cũng không có gì là lạ. Nhất là khi mà đô thị Việt Nam phần nhiều được hình thành, phát triển từ điểm dân cư nông thôn, làng xã, đô thị hóa dần dần mà hình thành nên.

Một cách thể hiện bản sắc


Việc xây dựng cổng chào phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, bây giờ Hà Nội mới tính toán việc xây cổng thực ra là ý tưởng hay nhưng không mới. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xưa đã từng có 16 cổng (theo bản đồ năm 1831). Cổng còn lại duy nhất đến bây giờ chính là Ô Quan Chưởng (trước là Ô Đông Hà), cổng hướng ra sông Hồng. Người xưa xây dựng cổng tại các trục giao thông huyết mạch hướng vào đô thị, bao gồm cả đường bộ, đường thủy. Nhưng cổng đường bộ vẫn được biết đến nhiều hơn, quen thuộc hơn. Trong cấu trúc làng xã truyền thống, cổng làng là một thành phần quan trọng. Nhìn vào cổng làng, người ta không chỉ biết địa danh mà còn biết đến bản sắc văn hóa của làng. Người đi xa và người ở nơi xa khi về làng, mỗi khi qua cổng làng lại thấy rạo rực, xao xuyến. Cổng làng cũng là nơi các thế hệ người làng gửi gắm những khát vọng, ước mơ… Ở một số đô thị khác trong cả nước, cũng từng xây dựng cổng đô thị. Trong số đó, vẫn còn có cổng tồn tại đến bây giờ (thành phố Tuyên Quang, Rạch Giá, Mỹ Tho…).


Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, có nhiều loại cổng trong đô thị, có thể chỉ là cổng chào theo cách gọi của một vài nơi, có thể là cổng chào mừng chiến thắng như Khải Hoàn Môn ở thủ đô Pari, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Viêng Chăn, hoặc đơn thuần là lối ra vào của đô thị như cổng của thành phố York (Anh), cổng của thành phố Đài Bắc, cổng của thành phố Seoul (Hàn Quốc)…


Đối với đô thị của Việt Nam PGS.TS Lưu Đức Hải ủng hộ quan điểm xây dựng cổng của đô thị với ý nghĩa mang tính truyền thống, là làng có cổng, nước có cổng và đô thị cũng có cổng. Song, trước tiên phải trả lời được câu hỏi là đặc trưng văn hóa của đô thị đấy là gì. Từ đó đề xuất những hình thái kiến trúc, họa tiết mà chỉ cần nhìn vào cổng, người ta có thể nhận ra ngay đó là đô thị nào. Ở một khía cạnh nào đó cổng chính là biểu tượng của đô thị.


Có nhiều cách làm "cổng"


Trong kiến trúc truyền thống, cổng thường có mái như cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) hoặc chỉ là những hàng cột như tam quan ở các đền chùa. Cổng đô thị xây dựng trong thời đại hiện nay thì đương nhiên ngôn ngữ kiến trúc phải hiện đại. Nhưng dù hiện đại, cách điệu đến đâu thì cái cổng vẫn phải làm nhiệm vụ và đúng vị trí của cái cổng. Cổng truyền thống có thể có mái hoặc không có mái. Song con đường dù lớn nhưng vẫn có thể làm cổng có mái. Vì thế cần các nhà tư vấn thiết kế tìm tòi nghiên cứu, cân nhắc. Quốc môn có thể được kết hợp làm các trạm kiểm soát xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Cổng đô thị cũng có thể nghiên cứu phối hợp với một vài chức năng.


Đối với các mẫu cổng chào Hà Nội, PGS.TS Lưu Đức Hải cho rằng, có 2 hướng nghiên cứu. Hướng thứ nhất là thiết kế mẫu cổng đa dạng như cách Hà Nội đang làm hiện nay. Mỗi cổng có hình dáng khác nhau. Đa dạng cũng có cái hay nhưng càng đa dạng càng phải nghiên cứu kỹ và cần có nhiều ý kiến phản biện xã hội.


Hướng thứ hai là thiết kế mẫu cổng đồng nhất cho tất cả các tuyến đường hướng tâm. Như mô hình của kinh thành Huế, tất cả các cổng thành đều giống nhau, trừ cổng chính Ngọ Môn lớn hơn, gồm 5 cửa ra vào thay vì 1 cửa như các cổng khác. Cổng đô thị đồng nhất có lợi thế nhất định, vừa chỉ cần lấy ý kiến cho một mẫu và cứ thế nhân lên, vừa định hình biểu tượng nhất quán cho đô thị. Cổng đô thị là công trình công cộng không lớn nhưng có ảnh hưởng xã hội nhất định vì vậy khi triển khai đầu tư xây dựng, bên cạnh lấy ý kiến đóng góp của giới chuyên môn cũng nên trưng cầu ý kiến người dân. Và cho dù cổng đô thị được xây dựng bằng ngân sách hay tiền doanh nghiệp, tiền xã hội tự nguyện ủng hộ thì cũng là tiền của dân, nên tiết kiệm vì Thành phố còn nhiều việc phải làm.

 

 

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần