Công chức nguồn về địa phương cần được tạo điều kiện tốt nhất

Linh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 ngày 25 - 26/3 tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Hội đồng Thi tuyển công chức nguồn (CCN) TP năm 2016 tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển CCN làm việc tại xã, phường, thị trấn thuộc TP năm 2016.

Bên lề kỳ thi, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Hội đồng thi đã chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề đào tạo, bố trí công tác cho CCN cấp xã hiện nay.
Xin ông cho biết mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển CCN làm việc tại cấp xã thuộc TP năm 2016?
- Theo Kế hoạch của TP đã ban hành, kỳ thi này nhằm bổ sung công chức trẻ được đào tạo cơ bản cho xã, phường, thị trấn, thay thế cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu, đảm bảo chất lượng, góp phần xây dựng đội ngũ công chức cơ sở chuyên nghiệp.
Cần khẳng định, thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển CCN là một cơ chế đặc cách, cơ chế “nguồn” của Hà Nội. Bởi lẽ ra, học viên tốt nghiệp xong thì tiếp tục phải thi tuyển công chức, nhưng TP đã cho kết hợp thi 2 loại.
Từ những kỳ thi vừa qua, ông đánh giá sao về chất lượng “đầu vào” cũng như “đầu ra” khi học viên tốt nghiệp về địa phương làm việc?
- Thực hiện Đề án thí điểm đào tạo 1.000 CCN làm việc tại xã/phường/thị trấn giai đoạn 2012 - 2015, đến nay, TP đã có 480 học viên được đào tạo ra trường, được TP phân về các địa chỉ cụ thể. Những kỳ thi đã diễn ra cho thấy đảm bảo chất lượng “đầu vào”, bởi thí sinh đều có học lực khá trở lên, lại được học 2 năm về trung cấp lý luận, 5 chuyên ngành (tùy vị trí)… tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Tôi nghĩ, phương thức đào tạo đó hoàn toàn phù hợp, và Hà Nội đã rất mạnh dạn trong công tác này. Các học viên không chỉ được trau dồi về kiến thức, kỹ năng  chuyên ngành, mà cả về kỹ năng ứng xử với người dân...
Thực tế qua phản ánh của quận, huyện, 480 CCN về làm việc đến nay cơ bản phát huy năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có triển vọng tốt. Cũng bởi các em có nền tảng vững, được đào tạo bài bản và đã thực tế 4 tháng ở cơ sở trước khi thi, biết được vị trí công việc mình sẽ giúp gì cho địa phương, phục vụ gì cho Nhân dân... Chính điều đó tạo hậu thuẫn cho các em, góp phần làm nên chất lượng kỳ thi.
Là người đứng đầu cơ sở chuyên đào tạo CCN cho TP, ông có đề xuất gì với các địa phương sẽ tiếp nhận?
- Ngay từ khâu tuyển “đầu vào”, Sở Nội vụ theo chỉ đạo của UBND TP đã phải khảo sát về số cán bộ cần bổ sung cho các địa phương. Do đó, những đơn vị tiếp nhận sau này dứt khoát cần tuân thủ quy định của TP, đó là phân công, tạo điều kiện công việc cho các CCN, thường xuyên giúp đỡ họ… Sở Nội vụ quản lý trực tiếp những cán bộ này nên sẽ thường xuyên liên hệ với quận, huyện để đánh giá quá trình cán bộ về công tác. Ngược lại, các quận, huyện thông qua Phòng Nội vụ cũng thông tin thường xuyên tới Sở để tiếp tục giúp đỡ những CCN đã được đưa về cơ sở. Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm đến cùng, các CCN sẽ phát triển tốt.
Xin cảm ơn ông!
Dự kỳ thi lần này có 238 thí sinh, theo 5 chức danh: Địa chính - Xây dựng (40 thí sinh), Tài chính - Kế toán (32 thí sinh), Tư pháp - Hộ tịch (48 thí sinh), Văn hóa - Xã hội (62 thí sinh), Văn phòng - Thống kê (56 thí sinh). Dự kiến ngày 30/3, Hội đồng công bố kết quả thi. Những thí sinh trúng tuyển sẽ được UBND TP quyết định phân bổ về các quận, huyện, thị xã, tùy nhu cầu cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần