Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công chứng và đăng ký đất đai: Thuận lợi nếu “2 trong 1”

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vai trò của công chứng và đăng ký bất động sản là 2 hoạt động cùng nằm trong cả tiến trình gắn kết với nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, giữa cơ quan đăng ký với tổ chức hành nghề công chứng chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy, hiện cần phải nghiên cứu về một hệ thống đăng ký đất đai thực sự hiện đại, minh bạch, hỗ trợ hiệu quả cho các giao dịch được xác lập. Ngay chính các cơ quan đăng ký, giữa cơ quan đăng ký với tổ chức hành nghề công chứng chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản. Ngoài ra, mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chưa phù hợp, lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, DN; quy trình đăng ký thủ công, còn tồn tại nhiều thiếu sót. “Do đó, cần tiếp tục cải cách hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo hướng thực sự tạo thuận lợi, khách quan và chính xác, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu đăng ký. Đồng thời, phải giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa hệ thống công chứng với đăng ký” - ông Huy kiến nghị.
 Người dân thực hiện thủ tục tại Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái
Kiến nghị này xuất phát từ thực tiễn không ít trường hợp cán bộ đăng ký thực hiện lại quy trình của một công chứng viên. Thậm chí có trường hợp còn yêu cầu chỉnh sửa hợp đồng đã được công chứng. Nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật chưa tách biệt rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bên, các loại giao dịch có công chứng và không có công chứng. Mặt khác, đội ngũ cán bộ đăng ký xác định chưa đúng phạm vi trách nhiệm của mình, dẫn đến những yêu cầu, hành vi gây khó khăn cho người dân, DN khi giải quyết hồ sơ đăng ký.

Theo một số công chứng viên, hồ sơ tồn đọng tại nhiều địa phương chủ yếu là những hồ sơ đăng ký đất đai trong chia thừa kế. Nhiều trường hợp nhà, đất chưa được đăng ký chủ sử dụng nhưng bố (hoặc mẹ) đã qua đời từ lâu, không còn giấy chứng tử, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chia thừa kế. Để giải quyết, một số địa phương cho người dân viết giấy cam đoan nhưng cán bộ đăng ký đất đai không tiếp nhận hồ sơ. Nên chăng với trường hợp này, Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn, quy định thêm giấy tờ khác thay giấy chứng tử hoặc cho phép khai tử lại.

Vướng mắc này không chỉ xảy ra ở nhiều địa phương mà ngay ở Hà Nội cũng gặp phải. Theo đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, đơn vị tạo điều kiện linh động để giải quyết cho người dân, chẳng hạn như cho xác nhận bia mộ, không cứng nhắc đòi hỏi phải có giấy chứng tử... Tuy nhiên, những trường hợp này phải thận trọng bởi trên địa bàn Hà Nội từng có trường hợp con dâu khi đi làm thủ tục đất đai thấy thủ tục giấy tờ rắc rối đã “khai tử” cả bố mẹ chồng đang sống.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, công chứng và đăng ký là 2 hoạt động cùng nằm trong tiến trình gắn kết với nhau, phải cùng hướng đến một mục đích thống nhất về đăng ký bất động sản theo quy trình “2 trong 1”. Do đó, phải làm sao gom lại một đầu mối, đảm bảo thuận tiện cho quản lý Nhà nước, cho người dân giao dịch, không xảy ra tình trạng một thửa đất lại có nhiều loại tài sản đăng ký ở các cơ quan khác nhau.