Một tầng lớp trí thức mới hình thành
Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập TP Hà Nội. Kể từ ngày 3/10/1888, Hà Nội trở thành một TP theo chế độ nhượng địa.Tất cả các cơ quan quyền lực nhất của người Pháp tại Đông Dương đều ở Hà Nội. Không là Kinh/Thủ đô nhưng Hà Nội vẫn là trung tâm.
Dưới tác động của chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Hà Nội đã biến đổi sâu sắc cả về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục. Xã hội Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Trong lòng nó, từng bước xuất hiện các giai tầng mới là công nhân, tư sản, tiểu tư sản thành thị, trí thức (tân học). Nếu trước đây trí thức xuất thân từ nền giáo dục Hán học thì từ đầu thế kỷ XX xuất thân từ Tây/tân học nhiều hơn. Ngoài một số ít du học Pháp trở về, các trường học thuộc địa đã trở thành nơi bổ sung không ít cho tầng lớp trí thức Việt Nam lúc bấy giờ.
Trí thức Hà Nội, có thể hiểu, không chỉ là người Hà Nội, mà gồm cả những người có quá trình trở thành trí thức hoặc hoạt động với tư cách trí thức ở Hà Nội. Theo đó, Hà Nội là địa bàn tập trung đông đảo nhất tầng lớp trí thức cả nước. Từ những năm đầu thế kỷ XX, giới trí thức Hà Nội tăng về số lượng và có sự phân hóa về tư tưởng, mà chủ yếu xuất phát từ nguồn gốc đào tạo theo Nho học/cựu học hay Tây/tân học.
Bộ phận thứ nhất là trí thức “cựu học”. Đó là các nho sĩ đã từng học tập, đỗ đạt theo hệ thống giáo dục Nho học, tham gia bộ máy Nhà nước phong kiến hoặc không. Trong số đó có nhiều người vẫn bảo lưu tư tưởng bảo thủ, níu kéo Hán học, duy trì chế độ quân chủ. Một số khác có ra làm quan nhưng sau từ bỏ để hoạt động yêu nước, tham gia cuộc vận động duy tân như Nguyễn Thượng Hiền, Đào Nguyên Phổ, Nguyễn Quyền…
Trong bộ phận này cũng có nhiều nho sĩ đã biết chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và nhiều kiến thức của nền giáo dục tân học như Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ… Cũng có một số người đã đỗ đạt Hán học nhưng sau sang Pháp học tiếp như Bùi Kỷ.
Bộ phận thứ hai là “Trí thức tân/Tây học” mới được đào tạo từ các trường tại Pháp hoặc hệ thống giáo dục thuộc địa ở Đông Dương. Bộ phận này gồm hai thế hệ kế tiếp nhau, thế hệ những năm đầu thế kỷ XX và thế hệ trưởng thành từ giữa thập kỷ 1920. Có thể kể đến một số nhân vật tiêu biểu thuộc thế hệ thứ nhất như Hoàng Trọng Phu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố, Phan Văn Trường, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Lâm, Nguyễn Phan Lãng... Thế hệ thứ hai, đông đảo hơn, có thể kể đến như Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống, Phó Đức Chính, Hoàng Tích Chu, Dương Quảng Hàm, Trần Huy Liệu... Đội ngũ trí thức đã bắt đầu thể hiện vai trò của mình trong những năm đầu thế kỷ XX và sẽ chiếm lĩnh vị trí dẫn dắt hầu hết các các cuộc vận động văn hoá - xã hội ở Việt Nam cho đến những năm giữa thế kỷ.
Thành phần xuất thân, môi trường giáo dục, con đường học vấn có thể khác nhau nhưng đa phần trí thức
Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, dù là “cựu học” hay “tân học”, đều có khát vọng giành độc lập dân tộc, nhiệt thành cống hiến cho công cuộc duy tân văn hóa, chấn hưng đất nước.
Với công cuộc duy tân văn hóa
Với vị trí là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả Đông Dương, trí thức Hà Nội đã tiên phong thâu nhận văn hóa phương Tây để hiện đại hóa, làm phong phú hơn và duy trì, phát triển tiến trình văn hóa dân tộc.
Trước hết là sáng kiến thành lập Hội trí tri của các cựu sinh viên, các trí thức trẻ Hà Nội từ năm 1892. Đây là tổ chức văn hóa giáo dục đầu tiên có vai trò như một cầu nối văn hóa, giáo dục Đông - Tây với sự tham gia của nhiều trí thức nổi tiếng như Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh... Từ mục tiêu ban đầu là hỗ trợ học tiếng Pháp cho người bản xứ, hội đã dần dần thay đổi, hướng tới sự nghiệp “Khai dân trí, chân dân khí, đào tạo nhân tài”, đổi mới nền giáo dục và văn hóa nước nhà.
Đông Kinh nghĩa thục (1907) là mô hình nhà trường duy tân đầu tiên được thành lập bởi các sĩ phu yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành... Họ chủ trương khai dân trí, trang bị kiến thức để trở thành công dân chứ không phải đào tạo quan lại; bãi bỏ khoa cử Hán học và thi hành một chương trình thực học, dạy chữ Quốc ngữ và kiến thức mới về chính trị, kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật thiết thực; truyền bá tư tưởng học thuật mới và nếp sống văn minh tiến bộ.
Hội Khai Trí tiến đức là tổ chức văn hóa đầu tiên ra đời ở Hà Nội bởi “chính sách hợp tác với người bản xứ” nhằm “cai trị gián tiếp” của người Pháp. Tuy nhiên, với sự tham gia sáng lập của nhiều người nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Trọng Phu, Bùi Đình Tá, Nguyễn Bá Trạc…, trí thức
Hà Nội đã tỉnh táo sử dụng tính hợp pháp của nó để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, xã hội tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa nước nhà.
Họ mong muốn “mở mang cho quốc dân An Nam biết những tư tưởng học thuật của Đại Pháp, truyền bá những nghĩa luân lý và khích khuyến những việc đạo đức”, “bảo tồn cái quốc túy của nước Việt Nam ta”. Đóng góp lớn nhất của hội, là truyền bá chữ Quốc ngữ để xây dựng một nền giáo dục, văn hóa, học thuật mới.
Từ những hoạt động khởi đầu sôi nổi đó, đời sống văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản của Hà Nội đã có nhiều biến đổi quan trọng theo hướng hiện đại.
Đến những năm 20 của thế kỷ XX, Hà Nội có khoảng 17 báo và tạp chí Quốc ngữ. Nổi tiếng nhất là Đông Dương tạp chí (1913 – 1919) do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút và Nam Phong tạp chí (1917 - 1934) do Phạm Quỳnh chủ nhiệm kiêm chủ bút. Đây là diễn đàn tập hợp đông đảo nhất giới trí thức Hà Nội để họ truyền bá tri thức văn hóa, học thuật Đông – Tây và cổ vũ tinh thần duy tân văn hóa.
Đời sống văn học theo đó cũng chuyển biến mau lẹ. Đội ngũ các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứuchuyên nghiệp xuất hiện.
Quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà theo hướng hội nhập với nền văn học phương Tây, văn học Pháp được tăng tốc. Các thể loại văn học hiện đại và hiện đại hóa các thể loại truyền thống xuất hiện. Hà Nội là một trung tâm của quá trình hiện đại đó, nhất là từ sau năm 1920, khi thế hệ nhà văn/tri thức tân/Tây học đã trưởng thành. Các nhóm, hội đoàn, phong trào văn chương xuất hiện. Trước là các nhóm Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, về sau là Tự Lực văn đoàn, Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy, phong trào Thơ mới…Tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày22/11/1921, vở diễn “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long đánh dấu sự ra đời của kịch nói Việt Nam. Nhờ tiếp xúc với âm nhạc châu Âu, qua nhạc nhà thờ, nhạc nhà binh, từ những năm 1930, ở Hà Nội đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác như Lê Yên, Văn Chung, Doãn Mẫn. Kế tiếp Lê Thương, Phạm Duy… Năm 1938 đã được xác định là thời điểm ra đời tân nhạc Việt Nam bởi những buổi biểu diễn và thuyết trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội. Hội họa, điêu khắc hiện đại Việt Nam ra đời gắn liền với các nghệ sỹ Hà Nội từ khi có trường Mỹ thuật Đông Dương. Hà Nội cũng là nơi xuất hiện trường phái Kiến trúc Đông Dương - sự giao hòa giữa kiến trúc phương Tây với kiến trúc cổ truyền Việt Nam, làm thay đổi sâu sắc đến kiến trúc đô thị Hà Nội và cả nước.
Và cuối cùng, cuộc chuyển động văn hóa nói trên đã tác động đến ý thức xã hội và nếp sống của người
Hà Nội. Bên cạnh sự thanh lịch, nền nã truyền thống, một bộ phận không ít người Hà Nội dần hình thành nếp sống mới, theo phong cách thị dân châu Âu, từ thẩm mỹ, giao tiếp đến trang phục, ẩm thực.
Sự chuyển động hiện đại hóa nền văn hóa đất nước nước những năm đầu thế kỷ XX gắn liền với vai trò của đội ngũ trí thức, trong đó có tri thức Hà Nội. Lịch sử chứng thực rằng, trong xã hội hiện đại, sự phát triển luôn cần đến đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, để tiên phong nhận đường và dẫn dắt cộng đồng.