Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH: Vướng đâu gỡ đấy

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù từ 1/1/2016, quyền khởi kiện DN nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) được trao cho tổ chức công đoàn nhưng đến nay vẫn chưa có một vụ kiện nào được đưa ra xét xử.

Trước những vướng mắc, khó khăn trong thực thi điều luật này, sáng 16/11, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Nhiều trở ngại
Công tác khởi kiện được coi là một “công cụ” hữu hiệu trong việc đôn đốc các DN nợ BHXH. Thế nhưng, khi trao quyền này cho công đoàn thì dường như lại trở thành một thách thức với tổ chức này. Một trong những vướng mắc lớn nhất mà hầu hết các tổ chức công đoàn tại các tỉnh đều kêu khó tại Hội nghị chính là thủ tục khi khởi kiện. Bởi lẽ, khi cơ quan BHXH kiện DN nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ, còn khi tổ chức công đoàn kiện DN nợ BHXH cần phải được người lao động (NLĐ) ủy quyền. Trong khi đó, việc này rất hãn hữu xảy ra, trừ khi quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng lớn. Như đại diện của LĐLĐ tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 5 hồ sơ khởi kiện DN có số nợ BHXH trên 10 tỷ đồng từ cơ quan BHXH của tỉnh. “Đơn vị đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo DN tổ chức đối thoại với NLĐ. Nhưng nếu qua đối thoại mà NLĐ nhận thấy việc nợ này chưa ảnh hưởng nhiều, công đoàn cơ sở chưa ủy nhiệm khởi kiện thì cũng khó để LĐLĐ tỉnh chuyển hồ sơ khởi kiện sang tòa án” - vị đại diện này cho biết.
 Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm Xã hội Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai lại băn khoăn, khởi kiện BHXH là khởi kiện tranh chấp lao động tập thể về quyền lợi, trước khi chuyển hồ sơ khởi kiện cho TAND cấp tỉnh phải tiến hành hòa giải cơ sở, nếu không hòa giải được phải đưa lên Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Tuy nhiên, khi UBND cấp huyện đã thụ lý hồ sơ, giải quyết theo xử phạt hành chính thì TAND cấp tỉnh sẽ không tiếp nhận hồ sơ này. Vì vậy đề xuất nên có cơ chế để có thể chuyển trực tiếp hồ sơ lên TAND cấp tỉnh để khởi kiện.
Ngoài ra, cho đến thời điểm này, Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về chi phí cho khởi kiện về các khoản án phí, chi phí cho người lập hồ sơ, chi phí cho người đi thu thập chứng cứ, chi phí thuê luật sư nên các đơn vị cũng phải “vừa làm vừa dòm”.
Khó cũng phải làm
Trước những khó khăn trên, ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, để công tác khởi kiện được thuận lợi, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, TP ký quy chế phối hợp với LĐLĐ địa phương để thường xuyên trao đổi thông tin các DN nợ BHXH. Vậy nhưng đến nay vẫn còn 16 tỉnh, TP chưa thực hiện điều này. Theo ông Liệu, các đơn vị phải đốc thúc nhanh việc hoàn thiện hồ sơ khởi kiện, trong  quá trình làm vướng mắc ở đâu thì báo cáo lên cơ quan cấp trên để tìm cách giải quyết, tránh tình trạng chưa làm đã kêu khó. Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, TP từ nay đến cuối năm 2016 phải gửi được ít nhất 10 hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH sang TAND: “Các đơn vị cứ mạnh dạn gửi hồ sơ sang tòa án, khi nào tòa án không thụ lý thì yêu cầu trả lời lý do cụ thể bằng văn bản rồi báo cáo lại BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ, khi đó chúng tôi sẽ làm việc với Tòa án tối cao để tìm hướng giải quyết”.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐ thành lập các đoàn công tác để đến từng địa phương đốc thúc công tác khởi kiện DN nợ BHXH và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, để khởi kiện được DN thì phải chứng minh được thiệt hại, mà để chứng minh được phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra các DN. Do vậy, theo ông Liệu, thời gian tới, BHXH Việt Nam phải thực hiện có hiệu quả quyền thanh tra đã được giao. Giám đốc BHXH các tỉnh phải có trách nhiệm trong đốn đốc và giám sát việc kiểm tra và thanh tra.