70 năm giải phóng Thủ đô

Cổng Đoan Môn đã từng được quét vôi vàng

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Ngày 16/1, trên mạng xã hội xôn xao những hình ảnh một số hạng mục của di tích Hoàng Thành Thăng – Hà Nội được quét vôi vàng, mang màu sắc tân trang, làm mới.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Di tích Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, song việc duy tu, tu bổ có vẻ khá kín đáo. Ông có thể cho biết việc quét vôi, ve cổng Đoan Môn được thực hiện từ bao giờ?
- Việc bảo quản các hiện vật, hạng mục di sản, chúng tôi vẫn làm hàng năm. Hiện nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp, vôi vữa bị rụng nên từ đầu tháng 12/2016 đến nay, Trung tâm phối hợp với đơn vị chuyên môn về bảo quản di tích thực hiện cạo rêu, nấm mốc và các cây dại mọc trên tường bao quanh di tích, tường Đoan Môn và quét vôi mặt ngoài nhằm bảo vệ di tích. Phần cốt lõi của di tích Đoan Môn vẫn là của thời kỳ trước, nhưng ở thời Pháp thuộc, họ đã xây bịt cổng thành. Sau đó quân đội sử dụng làm chỗ ở. Đến năm 2000 và 2010, nhân kỷ niệm 990 và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện tu bổ, quét vôi y hệt như hiện nay. Những năm gần đây, hạng mục này chỉ lau, đánh vécni, không quét vôi.
Ông có thể cho biết tại sao lại lựa chọn màu ve vàng để quét lên một số các hạng mục của di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, trong khi đó, nhiều chi tiết khác của hạng mục vẫn giữ màu rêu phong?
- Từ xưa đến nay, cổng Đoan Môn chỉ dám quét vôi, không dám quét gì. Ở đây không thể chọn vôi trắng, càng không được sử dụng sơn vì hóa chất. Trong khi ve chỉ hạn chế màu vàng và màu xanh. Không thể lựa chọn màu xanh, chúng tôi chọn màu vàng này. Phương pháp bảo quản định kỳ theo cách các đơn vị chức năng đang làm tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là phương pháp phổ biến, đơn vị duy tu chủ yếu sử dụng vật liệu vôi và cát. Chỉ sau một vài tháng, các hạng mục di tích sẽ “nhuốm màu thời gian” như chúng ta thường thấy.
Nhưng lựa chọn duy tu lần này của Trung tâm về mặt thẩm mỹ đã không được dư luận đồng tình?
- Về thẩm mỹ nó khác với quy trình. Tôi khẳng định chúng tôi không sai quy trình bảo tồn, duy tu. Thật ra ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc khi duy tu, tu sửa di tích cũng được sáng choang, rực rỡ. Angkor của Campuchia loại bỏ rêu cũng làm đúng như Việt Nam. Nếu chúng ta chỉ vì thẩm mỹ mà tỏ thái độ tiêu cực thì rất dễ làm UNESCO hiểu lầm là Việt Nam đang phá hỏng di tích.
Xin cảm ơn ông!