Theo Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với tổ chức CĐVN, công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong ba chức năng quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.Hiện nay, trên địa bàn TP có 2,5 triệu lao động, LĐLĐ TP đang quản lý 45 CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; 23 CĐ cơ sở trường đại học, cao đẳng với tổng số hơn 8.000 CĐCS và 600.000 đoàn viên. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với các cấp công đoàn, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và sát với tình hình thực tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định Thủ đô. Công tác tuyên truyền giáo dục đã tạo được sức lan tỏa trong hệ thống tổ chức Công đoàn. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của NLĐ... đang đặt ra những yêu cầu mới mạnh mẽ cho công tác tuyên truyền giáo dục đối với tổ chức CĐVN.Từ thực tiễn hoạt động của Công đoàn Hà Nội, tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa đã đề xuất một số nội dung với Đảng, Chính phủ. Đó là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chăm lo của Đảng đối với giai cấp công nhân và tổ chức CĐVN trong tình hình mới bằng các chủ trương, chính sách và các chương trình hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền. Khi xây dựng chính sách, pháp luật cần phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa phát triển kinh tế, thu hút đầu tư với an sinh xã hội và đời sống, việc làm của CNLĐ.Đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, TP quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hóa cho CNLĐ tại khu công nghiệp - khu chế xuất. Đặc biệt, khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp phải đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa, trường học, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo trong các khu công nghiệp và chế xuất.Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Hà Nội cũng đề xuất, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có cơ chế tập trung về con người và nguồn lực cho công tác chỉ đạo và tuyên truyền trên internet và mạng xã hội; nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng; tuyên truyền giáo dục về vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức CĐVN; tuyên truyền về chính sách pháp luật... ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng NLĐ.