Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt qua đại dịch

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và chăm lo, hỗ trợ người lao động, các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Kịp thời chăm lo, hỗ trợ người lao động 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP đã phải dừng hoạt động, sản xuất cầm chừng. 
Để đảm bảo công tác an toàn phòng dịch theo quy định “3 tại chỗ”, “Một cung đường,hai điểm đến”, một số doanh nghiệp đã phải sắp sếp lại phương án sản xuất, sắp xếp lại phương án lao động, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện để sản xuất... Dẫn đến 399 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động; 1.719 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng; 80.996 người lao động mất hoặc thiếu việc làm, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tinh thần của người lao động. Đặc biệt là công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà trọ, người lao động trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, cơ sở giáo dục ngoài công lập...
 Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường tặng “Túi An sinh Công đoàn” động viên người lao động Công ty Cổ phần Toyota Thăng Long.
LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) đã có 597 trường hợp F0 là đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Trong đó có 133 F0 là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội.
Trước tình hình đó, Công đoàn Thủ đô các cấp đã có những hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động kịp thời. Cụ thể, các cấp Công đoàn Thủ đô đã ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của Trung ương, TP, hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 169,5 tỷ đồng cho 163.942 người lao động và 2.098 doanh nghiệp có "Tổ An toàn Covid-19".
Đặc biệt, trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP, LĐLĐ TP đã triển khai 95 chuyến "Xe buýt Siêu thị 0 đồng" với 46.027“Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho hơn 46.027 công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng trị giá hàng hóa hơn 9,2 tỷ đồng.
Tại các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có 33 đơn vị tổ chức "Chuyến xe Siêu thị 0 đồng", 9 đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình "Siêu thị 0 đồng" và 22 đơn vị triển khai các hình thức hỗ trợ khác để hỗ trợ khẩn cấp "Túi An sinh công đoàn" cho 33.222 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 6,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê phòng trọ từ 30-100%. Tổng số có 1.650 phòng trọ cho công nhân được miễn, giảm tiền thuê với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.          
Góp phần ổn định quan hệ lao động 
Nhờ có những hoà động cụ thể, hỗ trợ kịp thời của Công đoàn Thủ đô, đến nay tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc xảy ra. Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, mất việc làm. Đồng thời người lao động đã nhận thức và chia sẻ với khó khăn, đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua đại dịch, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch; bảo vệ an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng của đoàn viên, người lao động.
Cùng với đó, các cấp Công đoàn cần tiếp tục vận động người lao động quay trở lại làm việc, tích cực thi đua lao động sản xuất giỏi để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Khi người lao động mới quay trở lại sẽ chưa thể tạm ứng hoặc nhận lương ngay nên cuộc sống còn khó khăn. Vì vậy, tổ chức Công đoàn cần có phương án chăm lo phù hợp và cần phải triển khai sớm để đảm bảo người lao động được quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Từ đó, góp phần ổn định đời sống, giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất.