Cộng đồng ASEAN - điểm hẹn lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời... Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển trên chặng đường mới của mình.

Sự kiện này càng có ý nghĩa lớn lao khi cộng đồng quốc tế đang hướng tới nơi giao điểm của các lợi ích lớn - một thực thể mới - Cộng đồng ASEAN.

Cộng đồng lấy người dân là trung tâm

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cộng đồng đưa lại mức sống cao hơn và tiến bộ xã hội nhanh hơn cho người dân ASEAN.
Các đại biểu trong chương trình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển. 	 Ảnh: Long sơn
Các đại biểu trong chương trình vì Cộng đồng ASEAN đoàn kết và phát triển. Ảnh: Long sơn
Cộng đồng ASEAN có 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) là một cộng đồng đoàn kết và tự cường. Người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là một cộng đồng gắn kết chặt chẽ, cạnh tranh, sáng tạo, năng động, đồng thời hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cộng đồng cam kết giải quyết hiệu quả các rào cản phi thuế quan, hội nhập sâu hơn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, và lưu chuyển thông thoáng hơn về đầu tư, lao động và vốn. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là một cộng đồng bao dung, bền vững và năng động. Theo đó, cộng đồng nhận thức và tự hào về bản sắc, văn hóa và di sản của mình, đi đôi với tăng cường khả năng sáng tạo và chủ động đóng góp vào cộng đồng toàn cầu. Các quốc gia ASEAN đã đề ra lộ trình bao gồm: Các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN. Theo đó, ASEAN phấn đấu tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực; một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất; có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn giới đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài; một xã hội chia sẻ, đùm bọc, có trách nhiệm và hướng tới người dân trong khu vực.

Đến nay, ASEAN đã triển khai được khoảng 85% các mục tiêu, biện pháp đề ra trong các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN. 99% hàng hóa trong danh mục miễn thuế của 6 nước thành viên ban đầu đã được dỡ bỏ thuế nhập khẩu, 9 trong số 11 gói tự do hóa dịch vụ đã được hoàn tất, 2 gói còn lại sẽ được thực hiện trong năm tới. Đồng thời, các quốc gia ASEAN đã cùng nhau triển khai được khoảng 40% Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN và 285 dự án trong khuôn khổ Sáng kiến liên kết ASEAN.

Hiện nay, ASEAN thực sự đã đạt được sức mạnh như một thực thể kinh tế năng động có tiềm năng và triển vọng to lớn đối với thương mại và đầu tư. Cộng đồng ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với GDP đạt 2.600 tỷ USD, thương mại nội khối ASEAN lên tới 608,6 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng thương mại của khu vực, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước ASEAN lên tới 122,4 tỷ USD (cao nhất so với toàn cầu) trong năm 2013. Cộng đồng ASEAN không chỉ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân nội khối mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế thế giới.

Giao điểm của những lợi ích lớn

Nhận thức rõ xây dựng Cộng đồng vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, không thể tách rời các quan hệ với các đối tác, ASEAN đã chú trọng phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy quan hệ với các đối tác nhằm tranh thủ các nguồn lực phục vụ xây dựng Cộng đồng.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cạnh tranh và hợp tác diễn ra một cách quyết liệt và mạnh mẽ, đang thúc đẩy hình thành những tập hợp mới, liên minh mới trong tiến trình thiết lập một trật tự thế giới mới. Không ngẫu nhiên mà ngay trước khi Cộng đồng ASEAN ra đời, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong giành giật thị trường Đông Nam Á rất quyết liệt và diễn ra thường nhật. Tuy nhiên, cạnh tranh và hợp tác, các đối tác lớn của ASEAN vẫn nhìn rõ vị trí quan trọng của Cộng đồng ASEAN trong nền kinh tế thế giới và tìm thấy ở đó mẫu số chung của các lợi ích đối lập nhau. Ủy viên phụ trách thương mại EU, một đối tác nằm ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, Karel de Gucht khẳng định: Các đối tác có thể hưởng lợi từ sự thúc đẩy kinh tế do tiến trình hội nhập của ASEAN... ASEAN chắc chắn là một động lực chính đối với sự tăng trưởng toàn cầu. Trên thực tế, cả Mỹ, Trung Quốc, EU và đối tác khác của ASEAN đều coi trọng và thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Điều đó thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế của ASEAN với các đối tác. Đến nay, thương mại hai chiều giữa ASEAN với các đối tác lớn đã lên tới 1.290 tỷ USD, còn đầu tư trực tiếp của họ vào ASEAN lên tới 783 tỷ USD.

Kết hợp được sức mạnh nội lực và sức mạnh quốc tế, dự kiến đến năm 2020, ASEAN sẽ có GDP là 3.000 tỷ USD, và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050 nếu xu hướng này tiếp tục phát triển. Tuy còn những thách thức không nhỏ, như những khác biệt về ưu tiên chiến lược, năng lực quốc gia, những mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ…, nhưng sự ra đời của Cộng đồng ASEAN sẽ bổ sung vào bản đồ địa chính trị và địa kinh tế thế giới một thực thể kinh tế hùng mạnh, đủ sức cạnh tranh và đứng ngang hàng với các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

Sự đóng góp tích cực  của Việt Nam

Gia nhập ASEAN (1995) là một trong những bước đi đầu tiên của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy, Việt Nam đã tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các nguồn lực khu vực. Cùng với tác động của tự do hóa thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư nước ngoài, sau 20 năm hội nhập khu vực, quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam với ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, ASEAN đã trở thành một trong những bạn hàng lớn của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương tăng gần 4,5 lần trong vòng 11 năm, từ 8,9 tỷ USD (năm 2003) lên tới hơn 40 tỷ USD (năm 2014). ASEAN cũng giúp Việt Nam có sự chuẩn bị để hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới ở các sân chơi lớn, như tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là thành viên đàm phàn Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA); thúc đẩy thương mại, đầu tư và tiếp cận thị trường tiềm năng thông qua Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Khu vực đầu tư ASEAN (AIA), Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI)...

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 12/2014, FDI từ các nước ASEAN tại Việt Nam đạt 53 tỷ USD với 2.507 dự án, chiếm 14% tổng số dự án và 20% tổng lượng vốn đầu tư của cả nước. ASEAN hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của Việt Nam. Đầu tư của Việt Nam sang các nước ASEAN cũng có chiều hướng gia tăng.

Điều đặc biệt quan trọng là, tham gia vào ASEAN, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Trong ASEAN, Việt Nam được coi là điểm sáng do tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh được bảo đảm, kinh tế phát triển năng động, môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn. Các nước ASEAN và đối tác của ASEAN, nhất là những nước lớn, đánh giá cao vị trí và vai trò quan trọng của Việt Nam, coi Việt Nam là nhân tố phải tính đến trong hoạch định và triển khai chính sách đối với khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Việt Nam củng cố được vị thế chiến lược của mình trong khu vực, hội nhập vững chắc trong liên kết song phương thông qua xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nước thành viên ASEAN.

Cùng với việc tận dụng những lợi thế đó, Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực và có những đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển và xây dựng cộng đồng. Trước hết,Việt Nam là nhân tố đoàn kết khu vực. Ngoài ra, Việt Nam là nhân tố thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vị thế của ASEAN, từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức liên kết chặt chẽ và là đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng. Điều đặc biệt là, Việt Nam là nhân tố góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Kể từ khi khởi xướng ý tưởng sẽ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Việt Nam là nước thành viên đạt tỷ lệ hoàn tất lộ trình xây dựng Cộng đồng ở mức cao…

20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã đóng góp vào sự lớn mạnh của ASEAN, khẳng định hình ảnh và uy tín của một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm.