Cán mốc 104.000 USD, tiền ảo hút lượng tiền kỷ lục
Sau khi vượt qua 100.000 USD (khoảng 2,5 tỷ đồng/coin) vào sáng 5/12 tại châu Á (được thúc đẩy bởi việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử Paul Atkins - người ủng hộ tiền điện tử - điều hành Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đồng Bitcoin đã nhanh chóng đạt mức cao nhất mọi thời đại là 104.088 USD.
Bitcoin đã tăng hơn 100% giá trị trong năm nay và tăng hơn 50% trong 4 tuần kể từ chiến thắng bầu cử vang dội của ông Donald Trump và một loạt các nhà lập pháp ủng hộ tiền điện tử được bầu vào Quốc hội; nhu cầu của các tổ chức, sự tích lũy của doanh nghiệp và kỳ vọng cao hơn về các chính sách hỗ trợ với tiền điện tử dưới thời Tổng thống Donald Trump sắp tới.
Bên cạnh đó, đợt tăng giá này còn nhờ động lực quan trọng từ việc ra mắt các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin giao ngay vào đầu năm 2024 của các công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock, Fidelity... và đạt được thành công nhất định.
Các nhà đầu tư đang đổ tiền vào các quỹ đầu tư tiền số. Theo nhà cung cấp dữ liệu CoinGecko, tổng giá trị của thị trường tiền điện tử đã tăng gần gấp đôi trong năm cho đến nay và đạt mức kỷ lục hơn 3,8 nghìn tỷ USD. Để so sánh, Apple hiện có giá trị khoảng 3,7 nghìn tỷ USD.
Bitcoin tăng giá lên mức kỷ lục khiến thị trường tiền số dậy sóng, kéo hàng loạt đồng tiền mã hóa khác tăng vọt, khiến thị trường trở nên sôi động sau gần cả năm im ắng. Chẳng hạn, Ethereum (ETH) tăng hơn 70%, Dogecoin (DOGE) tăng 378% so với đầu năm nay.
Đến phiên cuối tuần (6/12), Bitcoin bắt đầu điều chỉnh mạnh và tụt xuống mốc 95.600 USD. Sau đó, đồng tiền số đã phục hồi và giao dịch quanh mốc 98.000 USD. Mặc dù vậy, dự đoán diễn biến của Bitcoin, nhiều người vẫn nhìn vào hành vi lịch sử của Bitcoin để dự đoán giá sắp tới của nó.
Theo trang Coinmarketcap, tâm lý sợ bị bỏ lỡ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trước những diễn biến tích cực về mặt pháp lý, cụ thể là chính sách ủng hộ tiền điện tử của Mỹ sắp tới, thị trường đang kỳ vọng giá Bitcoin có thể đạt 120.000-130.000 USD trong vài tuần tới.
Các nhà đầu tư cho rằng, giá Bitcoin sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm. Trước lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1/2025, giá Bitcoin dự kiến còn cao hơn khi các nhà giao dịch đặt cược vào sự kiện này, một động thái thường được gọi là "mua tin đồn, bán tin tức", theo niềm tin rằng nhiều người có thể chốt lời ở mức cao trước các sự kiện được mong đợi.
Cẩn thận kỳ vọng thái quá
Việc Bitcoin tăng giá ấn tượng đã thu hút giới đầu tư trên khắp thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đổ tiền vào đồng tiền kỹ thuật số này.
Bà Lina Nguyễn - Giám đốc Phát triển dinh doanh, Exness Investment Bank nhận định, các dấu hiệu tích cực liên tục xuất hiện và ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường này. Dù vậy, việc dùng đòn bẩy cao giữa các nhà giao dịch bán lẻ và tổ chức sẽ tạo ra rủi ro thanh lý hàng loạt, khiến giá Bitcoin có thể giảm xuống mức 85.000-90.000 USD trong trường hợp bị thanh lý ồ ạt. Bên cạnh đó, lãi suất và lạm phát cũng là yếu tố đáng lưu tâm. Nếu các ngân hàng trung ương thay đổi chính sách tiền tệ, chẳng hạn như tăng lãi suất hoặc thắt chặt cung tiền, điều này có thể khiến nhà đầu tư giảm bớt sự quan tâm đến các tài sản như Bitcoin.
Thấy lãi gần 50% sau một tháng, anh Trịnh Tuấn nhanh chóng chốt lời Bitcoin khi tiền số này kiểm tra mốc lịch sử 100.000 USD chỉ trong thời gian ngắn. Nhà đầu tư này vừa mới rót tiền vào thời điểm thị trường bắt đầu sôi động.
"Bán xong, thấy Bitcoin tăng trở lại lên 99.000 USD cũng hơi tiếc nên tôi đã chuyển sang mua Ethereum (ETH) và đang lãi 30%-40%. Tôi kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.”- anh Tuấn hồ hởi khoe.
Ông Nguyễn Nam ở Kim Mã (Hà Nội), cho biết, khi thị trường tiền số liên tục lập đỉnh, đã thuyết phục vợ bán 2 lượng vàng SJC dành dụm được trong 3 năm, lấy gần 160 triệu đồng để đầu tư vào đồng PI Network với mong muốn kiếm lời nhanh.
Nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng đang nắm giữ lượng lớn đồng PI Network và kỳ vọng giá trị đồng tiền ảo này sẽ tăng mạnh khi hệ thống chính thức "mở mạng chính" (Open Mainnet) vào cuối năm nay. Hiện tại, dù PI chưa được niêm yết chính thức nhưng giá đã tăng đáng kể. Từ đầu năm, giá PI đã tăng lên 50 USD/Pi.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực tiền số, Pi Network đến nay vẫn không nằm trên mạng lưới Blockchain (chuỗi khối), do đó các đồng Pi được sản sinh trên ứng dụng chỉ là con số tượng trưng, không có giá trị mua bán.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù tài sản số đang là kênh gọi vốn hấp dẫn, giúp các nhà đầu tư, các quỹ đa dạng hóa danh mục, song đây cũng là thị trường rủi ro cao, biên độ biến động lớn. Chưa kể, đây cũng là thị trường có số lượng dự án lừa đảo nhiều nhất so với các kênh đầu tư khác. Các nhà đầu tư thiếu hiểu biết rất dễ bị lừa hoặc thua lỗ khi tham gia thị trường này.
Việt Nam là nước đứng thứ ba toàn cầu về số lượng người sở hữu tiền mã hóa. Số liệu của Crypto Crunch App cho thấy, Việt Nam có 26 triệu người sở hữu tiền số (gấp 5 lần số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam).
Ước tính, hàng trăm tỷ USD tiền mã hóa đã được chuyển vào Việt Nam trong một năm qua. Tuy vậy, việc thiếu hành lang pháp lý khiến số vốn này chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu thuế, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền…
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết, theo quan sát của ông, dù trong các giai đoạn Bitcoin lên nhưng số người thua lỗ vẫn rất lớn. Hiện nay, đa phần các đồng tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối, các sàn này có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam, nếu xảy ra rủi ro thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm. Thời gian qua, rất nhiều người Việt đã bị lừa đảo qua các sàn forex, sàn tiền ảo, đây là bài học mà nhà đầu tư cần cảnh giác.
Trên nhiều cộng đồng đầu tư tiền số, giao dịch P2P (peer-to-peer) - hình thức mua bán tiền số trực tiếp giữa các nhà đầu tư mà không cần thông qua trung gian - xuất hiện ngày càng nhiều. Giao dịch P2P đã trở thành lựa chọn phổ biến nhờ tính tiện lợi và tiết kiệm chi phí nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Trên các nền tảng như Binance, người mua và người bán tiền số có thể tự do thỏa thuận mức giá mà không có sự kiểm soát chặt chẽ từ sàn.
Các chuyên gia nhận định rằng khoảng trống pháp lý về tiền mã hóa khiến các nhà đầu tư gặp rủi ro đáng kể, bao gồm gian lận, thao túng thị trường và vi phạm an ninh. Do đó, Việt Nam cần sớm đưa ra khung pháp lý cho tài sản số để đảm bảo thị trường phát triển có trật tự và minh bạch.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc sở hữu và đầu tư vào tài sản mã hóa, thì yêu cầu phải có các quy định bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo tính minh bạch trên thị trường đang trở nên cấp thiết. “Việc triển khai các quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tiền số tại Việt Nam"- vị chuyên gia nói.