Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015-Cơ hội, thách thức và giải pháp cần có cho DN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự hình thành và hoạt động của AEC sẽ có nhiều tác động hai mặt tới nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Hà Nội….

ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) thành lập ngày 08/08/1967 tại Bangkok, Thái Lan, thoạt đầu gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan; kết nạp thêm Vương quốc Brunei (07/01/1984), Việt Nam (28/07/1995), Lào và Myanmar (23/07/1997) và Camphuchia (30/04/1999).

Sự hình thành và hoạt động của AEC sẽ có nhiều tác động hai mặt tới nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Hà Nội….

1.Những cơ hội và thách thức từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)

Ý tưởng về AEC nằm trong "Tầm nhìn ASEAN 2020" được thông qua vào ngày kỷ niệm thành lập ASEAN lần thứ 30 với tư cách một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN là Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC). Các nhà lãnh đạo ASEAN trong Hội nghị cấp cao năm 2003 đã ký "Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II" với sự nhất trí thành lập AEC vào năm 2020. Nhưng đến năm 2007, tại Cebu, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất đẩy nhanh việc thành lập AEC vào năm 2015. Cũng tại kỳ họp này, ASEAN đã đưa ra kế hoạch chi tiết về AEC và 2 năm sau đó, kế hoạch này trở thành "Lộ trình tổng thể xây dựng AEC", đồng thời nhất trí sử dụng "Biểu đánh giá thực hiện AEC" (AEC Scorecard) để theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện lộ trình của từng nước ASEAN.

Với mục tiêu tạo dựng một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều, thực hiện có hiệu quả Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, AEC sẽ ưu tiên 6 yếu tố chủ chốt là: chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thuế khóa và thương mại điện tử; từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan; chấp thuận các tiêu chuẩn và kinh nghiệm sản xuất, phân phối quốc tế tối ưu nhất. Những thủ tục hải quan và thương mại được tiêu chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch. Đồng thời, AEC cũng xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, đó là: Hàng nông sản; Ô tô; Điện tử; Nghề cá; Các sản phẩm từ cao su; Dệt may; Các sản phẩm từ gỗ; Vận tải hàng không; Thương mại điện tử ASEAN; Chăm sóc sức khoẻ; Du lịch; và Logistics.

AEC sẽ hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) bằng cách giành lợi thế trong tiếp cận thông tin, tài chính, kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ. AEC sẽ trở thành tâm điểm của ASEAN với vai trò chủ động tham gia cùng các đối tác FTA ASEAN và đối tác kinh tế bên ngoài trong việc đổi mới kiến trúc khu vực.

Lộ trình xây dựng AEC đang tiến triển theo kế hoạch mục tiêu đề ra, nhất là trong tiến hành xóa bỏ thuế quan và triển khai các thoả thuận thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn. ASEAN đã đạt được bước ngoặt đáng kể vào ngày 1/1/2010, khi 6 thành viên ASEAN áp dụng mức thuế bằng 0 cho 99% hàng hóa. Lần công bố AEC Scorecard vào 2012 cho thấy 187 trong tổng số 277 biện pháp đã được thực hiện nhằm đạt 4 mục tiêu chính của AEC, bao gồm: thị trường thống nhất (65,9%); sức cạnh tranh kinh tế của khu vực (67,9%); trình độ phát triển kinh tế đồng đều (66,7%); hội nhập với kinh tế thế giới (85,7%). Đến tháng 8/2013, đã có khoảng 77,5% mục tiêu được hoàn thành.

Đặc biệt, cam kết thúc đẩy hội nhập tài chính-tiền tệ trong ASEAN cũng được khẳng định tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 (AFMM19) diễn ra từ ngày 20-21/3-2015, tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đây là năm đầu tiên diễn ra Hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN cùng đại diện các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…nhằm thảo luận về vai trò của chính sách tài khóa và tiền tệ trong xóa đói giảm nghèo, nhu cầu tài trợ cơ sở hạ tầng ở châu Á; tiến độ triển khai hợp tác trong các lĩnh vực tài chính khác như bảo hiểm, hải quan và hợp tác thuế, tăng cường hoạt động của Diễn đàn thuế ASEAN hướng tới hài hòa và hội nhập thuế trong khu vực,  tăng cường kết nối vật chất khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng trong ASEAN, thực hiện kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; thúc đẩy các sản phẩm bảo hiểm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tỷ lệ bảo hiểm tăng cao trong khu vực và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội giám sát bảo hiểm quốc tế như là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tại phiên họp chung giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế khu vực và thế giới, tiến độ triển khai các sáng kiến thuộc Lộ trình Hội nhập tài chính ASEAN và những cam kết thực hiện mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 trên 3 lĩnh vực Phát triển thị trường vốn, Tự do hóa tài khoản vốn và Tự do hóa dịch vụ tài chính và thống nhất những ưu tiên hợp tác và hội nhập tài chính sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 được thành lập; tái khẳng định cam kết thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thích hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính thông qua việc điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để phù hợp với mức độ phát triển của từng nước và tùy theo tình hình cụ thể mà từng nền kinh tế phải đối mặt; tăng cường năng lực và xây dựng một cơ sở hạ tầng dài hạn để phát triển các thị trường vốn trong ASEAN, hài hòa hóa và công nhận lẫn nhau đối với các quy định về thị trường vốn; tăng cường hơn nữa cầu nội địa, tiếp tục cải cách cơ cấu, khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng toàn khu vực; tăng cường nỗ lực hợp tác và hội nhập, để cải thiện khả năng phục hồi của khu vực đối phó với các nguy cơ bên ngoài.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các thành viên AEC cần giải quyết những vấn đề chưa đồng thuận về mặt chính trị, hàng rào kỹ thuật và lợi ích; tăng hỗ trợ pháp lý đối với các nước chậm phát triển và ngăn ngừa hành vi độc quyền không lành mạnh giữa các nước và trong bản thân từng quốc gia; phát triển các kết nối giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông, năng lượng và các kết nối xuyên biên giới khác; xây dựng cơ chế trừng phạt hay các thiết chế khu vực quyền lực để xử lý các trường hợp không hợp tác hay không tuân thủ của các nước thành viên.

Thuận lợi chung cho các thành viên khi AEC có hiệu lực là sự tự do di chuyển lao động có tay nghề của ASEAN và Việt Nam qua biên giới các nước thành viên, nhất là trong 8 ngành nghề được thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương nội khối, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch (hiện tại lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương).

AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho tiếp cận thị trường 600 triệu dân, tổng GDP nội khối là 2.300 tỷ USD và cả thị trường của một số nước khác có các thỏa thuận Thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ của ASEAN, như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 40 tỷ USD.

Khi AEC thành lập, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch và dễ dự đoán, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh. Cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi hóa. Ví dụ như, trong ASEAN có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN, do đó sẽ được hưởng lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN, nhất là thương mại liên quan đến hội nhập kinh tế.

Cắt giảm thuế quan là một thuận lợi giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam. Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0% - 5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp. Đồng thời, nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành và tăng chất lượng của sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

Tham gia vào môi trường AEC, sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào nền hành chính điện tử với việc Hiệp định khung e-ASEAN đã được ký kết bởi các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 11/2000. Do đó, khuyến khích sự tăng trưởng của thương mại điện tử trong khu vực ASEAN, tự do hóa thương mại trong các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ và đầu tư, và phát triển một xã hội điện tử trong ASEAN, thúc đẩy xây dựng năng lực để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số trong từng nước thành viên ASEAN.

Khi AEC hình thành đầy đủ, bên cạnh những lợi ích khá toàn diện đem lại từ tự do hóa lưu chuyển vốn, lao động, hàng hóa và sự kinh doanh bình đẳng trong khu vực, thì việc hạ thấp hàng rào thuế quan còn 5-0% từ 2015-2018 sẽ là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam bởi cơ cấu kinh tế Việt Nam và các thành viên AEC khá tương đồng, trong khi năng lực cạnh tranh về công nghệ và chất lượng sản phẩm lại có phần thấp hơn. Sự mở cửa thị trường cũng sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên sân nhà đối với hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chính phủ. Viễn cảnh hàng hoá của các nước trong khối ASEAN tràn ngập thị trường Việt Nam mang lại cơ hội mua hàng giá rẻ cho người tiêu dùng, giúp kiềm chế tăng giá ngoại nhập, nhưng cũng là thách thức không dễ chịu qua của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt có sức cạnh tranh thấp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng còn nhiều lúng túng trong xây dựng và vượt qua với các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Hiện nay, ngoài WTO, Việt Nam đã ký 8 FTA (Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc; Khu vực thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản; Khu vực thương mại tự do ASEAN – Úc và Niu Dilân; Khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ; Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chi Lê ) và đang kết thúc đàm phán  FTA với Liên minh Hải quan 3 nước là Nga, Belarus và Kazakhstan và với Hàn Quốc; đang đàm phán 6 FTA khác, như EFTA (bao gồm 4 nước là Thuỵ Sỹ, Na Uy, Liechtenstein và Ai-xơ-len); EU; Đài Loan; Thổ Nhĩ Kỳ; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). Việt Nam đã ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; đồng thời đang có quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm các thị trường lớn nhất thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Australia, Singapore, Anh. Hết năm 2013 đã có hiện 45 nước đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường.

Hiện thực hóa AEC là một quá trình dài hạn, và được hoàn thiện cùng với  thực tế xây dựng, bổ sung và sửa đổi các bộ luật trong nước cũng như các cơ chế hợp tác khu vực để thích ứng tốt hơn với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Một số đối sách cần có khi tham gia AEC

Việt Nam có đội ngũ lao động trẻ, rẻ và dễ đào tạo, sự ổn định chính trị, xã hội và lợi thế tự nhiên khác; đồng thời, đã và đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về cân đối và ôn định kinh tế vĩ mô, giảm thuế và điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, quỹ đất, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ công; mở rộng cổ phần hóa DNNN, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật-xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.

Thực tế thấy, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế của nền kinh tế, vượt qua nhiều thách thức và hạn chế những tác động tiêu cực; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, góp phần nâng cao vị thế chính trị của nước ta trên trường quốc tế; Góp phần quan trong vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc đổi mới; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tăng thu hút nguồn lực bên ngoài (về vốn, công nghệ, quản trị, chất xám…) phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng; năng lực sản xuất kinh doanh và tiềm lực kinh tế tăng lên rõ rệt, năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được cải thiện. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực quản trị doanh nghiệp của các doanh nhân được cải thiện; đã hình thành một lớp doanh nhân trẻ có kiến thức, năng động, có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân….

Đặc biệt, có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức chuyển từ hội nhập kinh tế chuyển sang hội nhập quốc tế toàn diện; Đã có sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản phù hợp với quy định của WTO; Chấp nhận và hình dung rõ hơn về KTTT, về định hướng hoàn thiện chinh sách & giảm thiểu rủi ro chính trị cho quá trình hoàn thiện thể chế; về bảo hộ&tự vệ, bán phá giá; về tác động hai mặt của ODA, FDI, DNNN&KTTN; về GDP& phát triển bền vững; về dân chủ, tự chủ, cạnh tranh & độc quyền; về lãi-lỗ…).

Trong thời gian tới, môi truờng kinh doanh và lòng tin thị truờng sẽ được tiếp tục củng cố cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền; phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung cấp nguyên liệu; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và tỷ giá, dự trữ ngoại hối, quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy Việt Nam trong hội nhập quốc tế vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức chưa thật tốt. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện; hệ thống các thị trường phát triển thiếu đồng bộ.  Chất lượng tăng trưởng và sức bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế, chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp, cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, có giá trị gia tăng thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Công nghệ sản xuất chậm được đầu tư, đổi mới; chuyển giao công nghệ ít được quan tâm. Quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của tình hình cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Cải cách hành chính chưa được đẩy mạnh, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ trương của Đảng chưa được quán triệt và thực hiện đầy đủ, chậm được cụ thể hóa và thể chế hóa và thể chế hóa. Các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân chưa nhận thức sâu sắc và chưa chủ động tận dụng các cơ hội; đồng thời, chưa thấy rõ thách thức để chủ động ứng phó; chưa lường trước được các hoạt động tiêu cực ở nước ngoài để có những biện pháp hạn chế hữu hiệu.  Hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh chưa được phát huy đầy đủ, chưa gắn kết chặt chẽ với hội nhập kinh tế quốc tế; hợp tác về văn hóa, xã hội và một số lĩnh vực khác chưa sâu rộng.  Cùng với những tác động tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, những hạn chế, yếu kém trên đây đã dẫn đến một số hệ quả xấu cả về kinh tế, xã hội và môi trường.  Hội nhập kinh tế quốc tế chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của phát triển kinh tế, yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự. an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực khác chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thể. Cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện và giám sát quá trình hội nhập từ trung ương đến địa phương, giữa các ban, ngành còn nhiều bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Chưa chủ động có giải pháp hạn chế mặt trái của quá trình hội nhập, nhất là những tác động tiêu cực trong lĩnh vực lao động, việc làm, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất và sản phẩm trong nước; khoảng cách giầu nghèo có xu hướng tăng nhanh.

Nguyên nhân của hạn chế yếu kém, có yếu tố khách quan là kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng sâu rộng, tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nổi lên là do nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa được đầy đủ, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kiên trì; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương, các lĩnh vực, các chương trình, các hoạt động chưa đồng bộ, thiếu toàn diện; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; công tác đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết chưa được thường xuyên, thậm chí có nơi, có lúc bị buông lỏng.

Quá trình HNQT cho thấy, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đồng thời, có sự chuyển hóa giữa nợ công-nợ tư và vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị...

Không thụ động, buông xuôi mọi cơ hội và tự ti, phó mặc trước mọi thách thức mà AEC đặt ra, phải hành động một cách chủ động và tích cực, mang tính phối hợp và liên kết nhiều hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các ngành sản xuất mũi nhọn như giày dép, dệt may, điện tử, phần mềm và chế biến thực phẩm, hải sản…để, một mặt, giữ vững thị trường trong nước; mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành công xưởng hoặc tham gia chuỗi cung ứng giá trị, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong và ngoài AEC.

Đặc biệt, về tổng thể, cần chú ý triển khai các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ, hài hòa của các mục tiêu, loại công cụ chính sách và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng hữu quan, và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển.

Quốc hội, Chính phủ, các địa phuơng và tổ chức hiệp hội kinh doanh cần có nhiều hoạt động toàn diện mạnh hơn nữa để kiểm soát tốt hơn độc quyền cả nhà nước và độc quyền tư nhân; trừng trị nghiêm khắc, kịp thời hơn những hành vi tham nhũng, cản trở hoạt động kinh doanh lành mạnh; triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, cơ quan liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp; đảm bảo các biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô mang tính đại diện cao hơn cho các lợi ích xã hội, tăng cường vai trò của luật pháp, chế tài, điều tiết nhà nước, kiểm soát các thể chế thị trường; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, xác định đúng và khai thác tốt các lợi thế và định huớng chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, sản phẩm, cải thiện năng lực đổi mới và công nghệ, nâng cao liên kết  và sức cạnh tranh kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ...

 Các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan. Đồng thời, cần khắc phục tính ôm đồm, đa mục tiêu trong hoạch định kế hoạch và chính sách phát triển; nâng cao chất lượng và sự đồng bộ văn bản luật; đẩy mạnh thực chất hơn các hoạt động kiểm soát sự nhũng nhiễu của các cơ quan và bộ phận, cá nhân trung gian thi hành luật; tuân thủ đầy đủ hơn các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường; giảm thiểu các lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng “vận động hành lang”, “chạy chính sách”, quan liêu, hình thức, ngăn chặn kịp thời “sự liên kết lợi ích nhóm” giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các ngân hàng thương mại nhà nước và các quan chức có liên quan trong việc vay và cho vay vốn, đầu tư chéo, đầu tư đa ngành hàng ngàn tỷ đồng mang nặng tính đầu cơ, trục lợi cá nhân hoặc phe nhóm, lũng đoạn thị trường và lãng phí các nguồn lực quốc gia.

Đặc biệt, cần tôn trong quy trình và yêu cầu của các quy luật kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế, tăng cường kiểm toán độc lập, xây dựng và áp dụng rộng rãi hệ thống chỉ tiêu hiệu quả và hệ số tín nhiệm; giảm điều hành nền kinh tế bằng các giải pháp hành chính kéo dài, thị trường nửa vời, hoặc ngược với quy trình thị trường; nâng cao chất lượng văn bản luật và các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện luật...

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo, phản biện và chủ động các  phương án và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn khủng hoảng...

Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành  thực tiễn. Việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn. Đồng thời, cần coi trọng đúng mức và phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu dự báo khách quan với mục tiêu chính sách và ý chí chủ quan. Dự báo cần bám sát, cập nhật và đưa ra các cảnh báo cần thiết về các biến động thị trường khách quan trong nước và quốc tế;  coi trọng dự báo tác động 2 mặt của chính sách theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Việc dự báo, đánh giá tác động 2 mặt tích cực và tiêu cực cả về xu hướng định tính, lẫn về định lượng của việc áp dụng các chính sách và định mức cụ thể trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước là rất quan trọng, nhất là với những mặt hàng đầu vào nhạy cảm của đời sống kinh tế- xã hội đất nước. Đồng thời, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự phối hợp ăn khớp cần có giữa các cơ quan chức năng và các loại công cụ dự báo, giữa công tác dự báo với công tác tổ chức thực hiện, thành lập bổ sung mạng lưới các cơ quan có chức năng chuyên trách xây dựng, phản biện và đề xuất hoàn thiện các chính sách quản lý nhà nước các cấp từ TW xuống các địa phương. Bên cạnh đó, cần coi trọng các phản biện xã hội và các đánh giá tác động chính sách (định kỳ hoặc đột xuất) trước và sau khi ban hành do các tổ chức chuyên nghiệp và độc lập thực hiện theo đặt hàng của cấp có thẩm quyền khách quan; xây dựng hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành trực tiếp phục vụ công tác dự báo và quản lý kinh tế; khắc phục tình trạng phân tán, chia cắt, rời rạc, đóng băng và thiếu chuẩn hoá thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý thông tin; bổ sung các chỉ tiêu cần thiết phục vụ dự báo kinh tế vào hệ thống số liệu thống kê kinh tế chính thức hàng năm của ngành thống kê.

Trên cơ sở các kết quả dự báo và phản biện đó và các yếu tố cần thiết khác, cần chủ động có các phương án, đối sách phòng ngừa hiệu quả cho mọi tình huống với giả định mức xấu nhất có thể xẩy ra; phát triển hệ thống dự báo và thông tin thị trường, các chính sách và các cam kết, yêu cầu hội nhập cần thiết cho doanh nghiệp, nhằm tăng năng lực phản ứng chính sách và thị trường trong quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp ..

Thứ ba, coi trọng đào tạo, thu hút sử dụng và tôn vinh nhân tài, các doanh nhân, nguồn nhân lực trình độ cao và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Cần có nhiều bứt phá về cơ chế phát hiện, tuyển dụng và bảo vệ nhân tài; tiêu chuẩn hóa, công khai hóa và bình đẳng hóa các yêu cầu thi tuyển công chức, giám đốc, lãnh đạo các doanh nghiệp và đơn vị, sao cho để những người xứng đáng nhất cả về tài và đức được lựa chọn vào những vị trí quan trọng nhất, để từ đó cải thiện năng lực, hiệu quả bộ máy công quyền và hoạt động quản trị doanh nghiệp.

 Cơ chế đào tạo, tập hợp và trọng dụng nhân tài đó trong tương lai phải bao hàm những khía cạnh: Tạo sự di chuyển chất xám tự do trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên, thoả mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nhân tài (lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần và thăng tiến cá nhân....). Bảo đảm nguyên tắc “người nào-việc nấy”, khắc phục tình trạng người biết làm việc thì không có việc làm, người được làm việc lại không biết cách hoặc làm việc kém hiệu quả. Các quan chức hành chính không thể đứng thay vào vị trí của các nhà khoa học và các doanh nhân thực thụ. Loại hình lao động quản lý làm thuê cần được coi trọng phát triển để đáp ứng nhu cầu về giám đốc cho các công ty cổ phần (kể cả cho các DNNN) tương lai trong nền kinh tế nước ta. Các thang bậc giá trị xã hội phải có sự thay đổi theo hướng tôn trọng và được đối xử như nhau tương xứng với tài năng và đóng góp có ích cho xã hội của cá nhân; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn và sử dụng đúng những nhân tài đầu đàn; tái lựa chọn liên tục, lấy hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá và lựa chọn chứ không phải bằng cấp, học vị, chức tước;

Hơn nữa, cần xây dựng và tạo sự đồng thuận sâu sắc về hệ thống chuẩn giá trị quốc gia nhằm tạo sự đồng thuận xã hội rộng rãi trong nước và quốc tế, tạo thước đo tin cậy trong định hướng, đánh giá các hoạt động kinh tế – xã hội, cũng như không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và đột phá trong cơ chế phân cấp, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, xây dựng các thiết chế đủ hiệu lực bảo vệ, phát huy hiệu quả các nguồn lực và sức mạnh của quốc gia, của các địa phương và doanh nghiệp,  nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế trong hội nhập quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài.../.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Báo cáo kinh tế-xã hội định kỳ hàng tháng và cả năm của TCTK;

2.    Nghị quyết các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ;

3.    Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và năm 2015 của Chính phủ về về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần