Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 17/5, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố nội dung chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, nội dung được quan tâm nhiều nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh 1
 
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 20/5, dự kiến bế mạc vào ngày 22/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 1 Nghị quyết… Thảo luận, xem xét Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 7 dự án luật khác. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp sẽ có 9 ngày phát thanh truyền hình trực tiếp, trong đó có nhiều phiên thảo luận về các báo cáo của Chính phủ hoặc một số dự án luật quan trọng, được dư luận quan tâm như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng cơ bản…
 
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội sẽ thảo luận tại Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, họp phiên toàn thể tại hội trường để lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời ra Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm và công bố công khai trước cử tri.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Để việc lấy phiếu tín nhiệm khách quan, trung thực. Đúng như quy trình hướng dẫn trong Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, đến thời điểm này, các chức danh được lấy phiếu đã có báo cáo về quá trình công tác, đạo đức, tác phong gửi tới các ĐBQH. Ngoài ra, các ĐBQH còn căn cứ vào kết quả giám sát của các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc và các lĩnh vực mà người đó phụ trách trong năm qua; ý kiến nhân dân… để quyết định. 
 
Trả lời báo chí về công tác nhân sự, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Việc miễn nhiệm đối với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ để chuyển sang làm nhiệm vụ khác, nhân sự thay thế sẽ được Thủ tướng Chính phủ giới thiệu. Trước khi bầu, Quốc hội phải chốt danh sách, biểu quyết danh sách, bỏ phiếu. Việc bầu phải công khai, nghiêm túc.