Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai, minh bạch trong việc kiểm phiếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/5, nhận định về cuộc bầu cử ĐB Quốc hội Khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chính thức cho biết: Hầu hết các Tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy định (19 giờ ngày 22/5).

Hiện, các Tổ bầu cử đang khẩn trương tiến hành kiểm phiếu để báo cáo kết quả bầu cử đến Ban bầu cử.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo báo cáo của 52/63 tỉnh, TP, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu khoảng 66.830.360 cử tri, đạt 98,79%. Theo đánh giá của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, nhìn chung, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở địa phương đều rất cao, trên 90%. Có 47/63 tỉnh, TP có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt từ 99% trở lên. Trong đó có 2 tỉnh đạt cao nhất là 99,99%, đó là các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Yên Bái. Các tỉnh: Hòa Bình 99,98%; Quảng Nam và Bến Tre 99,97%; Lai Châu và Vĩnh Long 99,96%; Hậu Giang 99,95%; Lạng Sơn 99,91%; Đắk Lắk 99,90%; Tây Ninh 99,89%... Thấp nhất là tỉnh Nam Định, đạt  tỷ lệ 93,45%.
Tổ bầu cử số 4, phường Láng Hạ, quận Đống Đa tổ chức kiểm phiếu. Ảnh: Thanh Hải
Tổ bầu cử số 4, phường Láng Hạ, quận Đống Đa tổ chức kiểm phiếu. Ảnh: Thanh Hải
Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Việc mở hòm phiếu và việc kiểm phiếu, đếm phiếu đều có sự giám sát của cử tri, báo chí… rất công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây chính là điểm mới trong thực hiện Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp. Đối với công tác bầu cử trong các trại tạm giam, việc bầu cử đã được thực hiện tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối. “Nhiều nơi đã thực hiện công tác bầu cử rất sáng tạo như Hậu Giang có cả một bản đồ chấm các điểm bầu cử. TP Hà Nội đã sáng tạo in bản trích ngang tiểu sử của ứng cử viên bốn cấp gửi đến từng gia đình. Đây là điều rất tốt, giúp cuộc bầu cử đảm bảo đúng tiến độ. Ngoài ra, Luật quy định không được bỏ phiếu hộ và tinh thần đó đã được quán triệt rất tốt đến quần chúng” - ông Phúc nhận xét. Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cũng khẳng định: Các tỉnh trên cả nước không có tình huống phát sinh phức tạp nào cần phải xin ý kiến Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết. Bài học cho sự thành công được rút ra chính là sự chuẩn bi chu đáo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, dốc sức, dốc lòng trong nhiều ngày, nhiều tháng.

Cử tri có sự cân nhắc, thận trọng

Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước tới nay với hơn 69 triệu cử tri tham gia, để bầu 500 ĐB Quốc hội, gần 4.000 ĐB HĐND các tỉnh, thành; gần 25.000 ĐB HĐND cấp huyện và 124.000 ĐB HĐND cấp xã. Qua ngày bầu cử có thể thấy, sự mong đợi ở mỗi lá phiếu bầu được cử tri gửi gắm đều là niềm tin, sự kỳ vọng vào các ĐB.

Trước và trong cuộc bầu cử, nhiều cử tri đã nói lên những mong muốn của mình về rất nhiều vấn đề, từ các vấn đề dân sinh, đến những vấn đề trọng yếu của đất nước trong phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền… Đồng thời rất kỳ vọng, các ĐB phải là những người đầu tiên lắng nghe tiếng nói của cử tri. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói sau khi bỏ phiếu, “cử tri cần những người “hết lòng vì nước, vì dân”, được dân tín nhiệm cử ra, thay mặt cho dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội”.

Cử tri đánh giá cao thành quả và những dấu ấn sâu đậm của các ĐB dân cử nhiệm kỳ trước, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đang phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, công việc hết sức bộn bề, trọng trách cũng nặng nề hơn và đòi hỏi của cử tri ngày một cao hơn. Họ mong muốn các ĐB nhiệm kỳ này có nhiệt huyết, có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám nói, nỗ lực cống hiến công sức, trí tuệ với quyết tâm cao nhất. Đặc biệt, với những người đang giữ cương vị lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm công tác, cử tri kỳ vọng ở những đóng góp, hiến kế và giải pháp toàn diện, quyết sách hợp lý, thiết thực hơn nữa nhằm khắc phục hạn chế của nhiệm kỳ trước; giải quyết thấu đáo những vấn đề quốc kế dân sinh.

Đánh giá về cuộc bầu cử, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Điều đáng mừng là cử tri đã rất quan tâm chứ không thờ ơ với việc gạch ai, bầu ai. Người ta có sự lựa chọn đắn đo suy nghĩ, cân nhắc thận trọng”. Chính bởi vậy, những ứng cử viên trúng cử lần này phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe đó.
Theo quy định, chậm nhất là ngày 1/6, Ủy ban bầu cử các cấp căn cứ vào biên bản tổng kết cuộc bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐB HĐND ở cấp mình. Với bầu cử ĐB Quốc hội, kết quả sẽ được công bố chậm nhất là ngày 11/6 (20 ngày kể từ ngày bầu cử). Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Với diễn biến tốt đẹp trong ngày bầu cử 22/5, nếu không xảy ra khiếu kiện hoặc sự cố thì có thể sớm công bố kết quả bầu cử.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp cho biết, tính đến 22 giờ ngày 22/5, Hà Nội có 98,85% cử tri đi bỏ phiếu.