Công khai thông tin quy hoạch, xây dựng

Khắc Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 – 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020. Dự báo năm 2022, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng.

Một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Hải Linh  
Một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Hải Linh  

Những tín hiệu tích cực

Thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%). Ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Theo các chuyên gia về bất động sản, đầu năm 2022 hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ không còn sốt như cùng thời kỳ đầu năm 2021. Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT và các cấp liên quan đã có kinh nghiệm hạ nhiệt giá đất sốt ảo, kịp thời đưa ra các cảnh báo cũng như công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.

Cảnh báo của Bộ Xây dựng cho thấy, thời điểm hiện tại, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng sốt giá bất động sản trong năm. Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt.

Nhìn lại thời điểm quý I đến quý III/2021, do nhiều địa phương phải thực hiện việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, hàng loạt các sàn giao dịch bất động sản phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, chỉ có khoảng 40% DN còn có khả năng chống đỡ. Sang đến quý IV/2021, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các quy định nới lỏng giãn cách xã hội cũng được ban hành, đã giúp thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi đáng kể. Các DN kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản đã hoạt động trở lại, nhiều sàn giao dịch bất động sản mới được thành lập. Cùng với đó, các DN đã ứng dụng công nghệ số, giao dịch trực tuyến vào hoạt động bán hàng, giúp hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản từng bước hoạt động trở lại.

Một tín hiệu tích cực khác không chỉ trong năm 2021 mà cả đầu năm 2022, việc điều hành tín dụng với lãi suất cho vay tiếp tục giảm và ở mức khoảng 8 - 10%/năm, lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp khoảng 5 - 6%/năm đã góp phần kích thích việc vay vốn để mua nhà cũng như đầu tư bất động sản. Nhiều nhà đầu tư nhận định, tiềm năng tăng giá bất động sản có thể đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm và đầu tư sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh còn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp như hiện nay.

Chấn chỉnh hành vi làm nhiễu loạn thị trường

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Phan Long, sở dĩ có sự phục hồi nhanh như vậy là do Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Nhiều chính sách mới ban hành và có hiệu lực trong năm 2021 về thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản có tác động tích cực tới thị trường bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời trước tình hình thị trường có hiện tượng sốt giá đất nền; các DN bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao; hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất có kết quả cao gấp nhiều lần giá khởi điểm…

Ông Vũ Phan Long nhận định, để thị trường bất động sản hoạt động theo hướng tích cực, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu.

Cùng với đó, các địa phương cần tổ chức lập phê duyệt, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản. Đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Đặc biệt, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản và chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần