Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai về tài chính của cá nhân đứng ra làm từ thiện: Lỗ hổng trong quản lý

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận xôn xao quanh vụ việc một nghệ sĩ nổi tiếng sau khi kêu gọi cộng đồng ủng hộ đồng bào miền Trung, đã “âm thầm” giữ tiền quá lâu mà chưa chuyển đến người dân. Cũng từ đây, vấn đề minh bạch, công khai về tài chính của cá nhân đứng ra làm từ thiện; cần những quy định pháp luật phù hợp với sự vận động của thực tiễn đời sống xã hội cho vấn đề này lại được nhắc đến.

 Ảnh mang tính chất minh họa
Đã thành nét đẹp của truyền thống, mỗi khi người dân nơi đâu gặp khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai, phong trào, hoạt động từ thiện lại diễn ra trên khắp đất nước, thu hút sự tham gia tích cực của nhiều nhà hảo tâm. Người dân không chỉ chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đứng ra tổ chức, mà còn đặt lòng tin vào những cá nhân, người có uy tín trong xã hội. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều cá nhân đứng ra quyên góp được số tiền lớn, trao đến tận tay người dân bằng những hình thức khác nhau, tạo nên sự lan tỏa rộng lớn trong xã hội. Đây là những tấm gương rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít những chuyện “lùm xùm” quanh việc kêu gọi làm từ thiện này, như lợi dụng danh nghĩa từ thiện, một số người đã có hành vi không đúng mực, biến việc làm ý nghĩa và tốt đẹp này thành phương thức phục vụ mục đích cá nhân, đánh bóng hình ảnh, thậm chí để quảng cáo, lừa đảo... Trước một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, việc quy định phối hợp hỗ trợ, quản lý thế nào để hoạt động thiện nguyện hiệu quả nhất với cả người dân và nhà hảo tâm cũng là vấn đề cần quan tâm lúc này. Bởi việc cứu trợ Nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của Nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà luôn cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Nhưng vấn đề là hiện đang có lỗ hổng về vấn đề quản lý, giám sát tiền từ thiện đối với các tổ chức, cá nhân. Đây có thể coi là kẽ hở giúp các đối tượng trục lợi từ thiện từ lòng tin người khác.

Hiện đã có một số quy định điều chỉnh về vấn đề này như Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định này rất cần thiết để phòng ngừa, nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện trục lợi. Tuy nhiên, từ thực tế cũng cho thấy Nghị định số 64 đã có những hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn bởi hiện không chỉ có tổ chức, nhiều cá nhân có uy tín trong cộng đồng cũng tham gia làm đầu mối.

Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP này và Bộ Tài chính cũng đã tiến hành lấy ý kiến, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định mới. Có lẽ, nên nhanh chóng có sự sửa đổi, bổ sung để các quy định phù hợp hơn với cuộc sống hiện nay. Loại bỏ tư duy “cho hay không cho” trong việc thực hiện công tác cứu trợ, thiện nguyện, thay vào đó bổ sung những quy định, hướng dẫn về cách thức, phương pháp thực hiện và điều phối nhằm đảm bảo công tác cứu trợ hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.… Những cá nhân đứng ra nhận tiền quyên góp cần bảo đảm công khai tài chính. Đặc biệt, với lượng tiền quyên góp lớn, cần có kế hoạch sử dụng hỗ trợ cụ thể, rõ ràng, phù hợp; tránh tình trạng làm từ thiện theo phong trào... Đặc biệt tìm ra các giải pháp để quản lý nhằm tránh hành vi không đúng trong sử dụng tiền tài trợ, từ thiện. Mục đích nhằm hỗ trợ đến đúng địa chỉ, kịp thời, công bằng và tạo lòng tin; công khai minh bạch tài chính, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyên góp, hỗ trợ để trục lợi.