Tăng trưởng nhưng cũng đầy thách thức
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) những năm gần đây đã chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp để phát triển TMĐT bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, năm 2023 lĩnh vực TMĐT nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế.
Ước tính của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232.000 tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 4.859.000 tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.
Như vậy, TMĐT chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022. Trong đó, tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 8,8%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 7,2% của năm 2022.
Ông Hoàng Ninh (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) đánh giá, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á năm 2022 và 2023. Đóng góp 12,3% GDP và tiếp tục tăng trưởng. Bởi hạ tầng số được chú trọng; Các cơ sở dữ liệu và dịch vụ số hướng đến người dân, doanh nghiệp. Quy mô thị trường tăng trưởng đều qua các năm 16 - 30%. Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang được thay đổi. Các dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT phát triển về chất và lượng. Hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, xu hướng xuất khẩu trực tuyến.
Thời gia qua, các chính sách phát triển kinh tế số và TMĐT tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
TMĐT cho phép các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận khách hàng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh chóng. Việc áp dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh.
Công nghệ số giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát triển và tung ra thị trường các sản phẩm và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phân tích hành vi khách hàng, từ đó cá nhân hóa các dịch vụ và trải nghiệm mua sắm.
"Chính phủ cung cấp nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT và kinh tế số giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp" - ông Hoàng Ninh nhấn mạnh.
Song, tương phản với sự tăng trưởng nhanh về quy mô là tính không bền vững của TMĐT Việt Nam. Những yếu tố chính của sự không bền vững là khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường. Cũng như còn có nhiều thách thức vì thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách, vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin, hạ tầng công nghệ chưa đồng đều, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và khó khăn trong quản lý TMĐT xuyên biên giới...
Minh bạch và bền vững
Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhìn nhận, từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã dần chuyển mình thành nước xuất siêu, trong đó có vai trò của TMĐT xuyên biên giới. Tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận năm xuất siêu thứ 8 liên tiếp với giá trị gần 30 tỷ USD. Xếp hạng xuất khẩu Việt Nam so với thế giới, năm 2007 đứng thứ 50 nhưng đến năm 2022 đứng thứ 27 tăng 23 bậc.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Xuất khẩu đạt 189,5 tỷ USD, nhập khẩu 180,2 tỷ USD mang lại giá trị thặng dư 9,3 tỷ USD.
Nguyên nhân do thương chiến Mỹ - Trung và Covid-19 làm các nước nhận ra không thể quá phụ thuộc vào một nước cố định, vì vậy dẫn đến làn sóng dịch chuyển công xưởng, lẫn chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ngay các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tích cực tìm cách thiết lập các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Cũng như tái cơ cấu, sắp xếp lại chuỗi cung ứng qua việc đa dạng hóa nguồn cung, mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp nhằm phân tán rủi ro.
Bàn về chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, theo ông Trần Thanh Hải, giải pháp căn cơ là phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý Nhà nước; phát triển thị trường xuất nhập khẩu; phát triển hạ tầng giao dịch vụ logistics và nâng cao vài trò các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp hạt nhân. Muốn vậy, thương mại nói chung, TMĐT nói riêng phải bền vững với tăng trưởng đồng đều, ổn định mang lại giá trị gia tăng cao. Song không đánh đổi tài nguyên và đem lại bình đẳng xã hội.
TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Phát triển TMĐT chú trọng đến phát triển bền vững, hướng đến tối ưu hoá quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng bằng các giải pháp có tác động tích cực và cân bằng giữa 3 yếu tố phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng là lực lượng chính trong phát triển TMĐT bền vững, Nhà nước có vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của TMĐT.
Đưa ra quan điểm, ông Hoàng Ninh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển minh bạch, bền vững thông qua Chương trình phát triển TMĐT quốc gia hướng tới mục tiêu năm 2025 doanh số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đạt 35 tỷ USD, với tỷ lệ dân số mua sắm trực tuyến 55%, tỷ lệ thánh toán không tiền mặt 50%.
Rõ ràng, sự phát triển nhanh của TMĐT gắn liền với sự tăng trưởng. Công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy TMĐT nói chung, bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ theo hướng minh bạch, rõ ràng, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng.