Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp 4.0 tạo ra cuộc cách mạng trong công nghệ làm báo

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng khoa, Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại hội thảo “Nhu cầu và kinh nghiệm đào tạo truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện”.

Toàn cảnh hội nghị.
Ngày 22/9, tại Nghệ An, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo “Nhu cầu và kinh nghiệm đào tạo truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện”.
Hội thảo có sự tham dự của nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn - Phó Tổng biên tập phụ trách, Tổng đại diện tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế, cùng sự có mặt của các nhà khoa học: PGS.TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS.TS Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà báo, nhà quản lý báo chí truyền thông, hiện đang làm việc tại các cơ quan báo chí và DN truyền thông, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên sinh viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Viện Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Vinh.
Hội thảo nhằm nghiên cứu và tìm hiểu về nhu cầu và kinh nghiệm đào tạo ngành truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện hiện nay.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng khoa, Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Với tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, nền báo chí Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi bao gồm việc tạo ra cuộc cách mạng và sự khuếch tán công nghệ trong nền báo chí, làm xuất hiện các chiều hướng phát triển khác nhau của lĩnh vực thông tin - truyền thông ở mỗi khu vực, quốc gia và địa phương. Đặc biệt, sự xuất hiện của mạng xã hội đã tác động tới nhà sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông, sản phẩm báo chí truyền thông, dịch vụ và sự biến đổi sâu sắc các nhóm công chúng truyền thông.
“Trước xu thế phát triển báo chí truyền thông hiện đại, báo chí truyền thông đa phương tiện đã và đang khẳng định được vai trò của mình, các nhà báo, các phóng viên, các chuyên gia truyền thông hiện tại và tương lai đều là đa phương tiện”, nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hồng Toan - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập báo Nghệ An nhấn mạnh đến việc trang bị kỹ năng, tăng cường thực hành cho sinh viên ngành báo chí. "Bên cạnh đam mê, người làm báo cần bản lĩnh, dấn thân và hy sinh, gắn kiến thức lý luận được trang bị ở nhà trường với thực tiễn sinh động để có tác phẩm báo chí hay, đẹp, đúng và trúng. Để làm được điều này người làm báo phải thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm để phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu của công chúng", bà Toan chia sẻ.
Các tham luận của các nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức đều thể hiện nhiều quan điểm và hướng tiếp cận mới, nhiều ý kiến gợi mở để cùng thảo luận, phản biện và tranh biện, nhằm rút ra kết luận về thực trạng, xu thế phát triển, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng hiện nay.