Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp bán dẫn – “huyết mạch” của nền kinh tế số

Nhật Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công nghiệp bán dẫn được xem là một trong những ngành công nghiệp xương sống, cốt lõi trong phát triển kinh tế, bởi là công nghiệp nền tảng để thúc đẩy các ngành khác như điện, điện tử, tự động hóa, viễn thông…

Đây là quan điểm chung của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”, do Bộ KH&CN phối hợp Bộ GD&ĐT và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, sáng 17/4.

Dư địa phát triển ngành bán dẫn rất lớn

Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn có vai trò chủ chốt, quan trọng và là tiêu điểm, thu hút nhiều ngành công nghiệp trên thế giới, được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Nói về vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ví những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những "hạt gạo", bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khoá cho các công nghệ số trong tương lai.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển bởi hệ thống chính trị ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu và là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn gia nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn.

Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về trữ lượng đất hiếm (khoảng 22 triệu tấn), một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Với những lợi thế đó, Việt Nam có thể trở thành trung tâm tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp bán dẫn, trong bối cảnh quy mô thị trường chip toàn cầu đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2022 và dự báo tăng lên tới 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa ngành này còn thấp, hoạt động nghiên cứu và phát triển chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần nhiều nỗ lực để đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Ở trong nước mới chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty CP bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp và kiểm định.

Quang cảnh hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.
Quang cảnh hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

Trưởng ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel Nguyễn Hoàng Cương nhận định, trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Ưu tiên phát triển hạ tầng và logistics

Theo ông Nguyễn Hoàng Cương, trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghệ bán dẫn. Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn, thiết lập các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu phát triển.

Song song với đó, cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ ngành công nghệ bán dẫn. Xây dựng và thực thi chính sách ưu đãi thuế, cung cấp các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, chuyển giao công nghệ và đầu tư từ các tập đoàn, công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới cho các doanh nghiệp trong nước.

Về phía doanh nghiệp, cần đầu tư cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu từ phòng Lab tới thực tiễn. Tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ với các đối tác quốc tế để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chíp vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới. Thời gian qua, nhiều chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia đã được xây dựng và bắt đầu triển khai nhằm cụ thể hóa chiến lược. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, hiện nay Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai thông qua Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước”.

Trong đó, Bộ KH&CN cũng tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo DN trong lĩnh vực vi mạch điện tử.