Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp văn hoá phát triển chưa đồng đều

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&D)L vừa phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá 2016-2021”.

Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trong 5 năm qua.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.
Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Lại Tấn.

Triển vọng phát triển

Tháng 9 năm 2016 khi Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành, mặc dù vẫn còn ít nhiều những băn khoăn, trăn trở, thậm chí hoài nghi, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự ra đời của Chiến lược chính là nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc đổi mới thể chế nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành CNVH.

 

Hà Nội là TP đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Kể từ đó, Hà Nội dẫn đầu sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa, tích cực sử dụng mạng lưới này để giao lưu và hợp tác quốc tế. Chúng tôi cũng rất vui khi các TP khác ở Việt Nam đang trong quá trình đăng ký trở thành thành viên của mạng lưới. Tôi tin rằng nền tảng quốc tế này sẽ góp phần to lớn vào sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa tại Việt Nam.

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt: Một bức tranh toàn cảnh về phát triển các ngành CNVH tại Việt Nam trong nửa thập kỷ qua đã được phác thảo một cách rõ nét. Theo đó, các ngành CNVH tại Việt Nam đang dần dần được coi là một động lực, vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Nếu năm 2015, các ngành CNVH đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai Chiến lược, 12 ngành CNVH đóng góp 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước.

Bên cạnh việc đóng góp giá trị trực tiếp, các ngành CNVH có tính liên ngành và bổ sung giá trị cao, đặc biệt là thông qua lĩnh vực thiết kế: Thiết kế với ngành thủ công mỹ nghệ, quảng cáo, trò chơi trực tuyến, phần mềm, kiến trúc; thiết kế với các ngành công nghiệp chế tạo và nhiều ngành kinh tế khác. Thị trường mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cũng rất sôi động. Từ 40 không gian sáng tạo năm 2017 đến nay đã phát triển lên hơn 200 điểm sáng tạo ở khắp mọi miền đất nước với những tổ hợp như Hanoi Creative City, Thiết kế 282 Designe.

Đầu tư có trọng tâm

Dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển CNVH vẫn còn nhiều khó khăn. Việc định vị sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm dịch vụ CNVH ra thế giới còn không ít rào cản.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao, cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa còn nhiều hạn chế. Điều này khiến cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn về thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành CNVH Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường. Năng lực dự báo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vấn đề về đào tạo và quản lý nhân sự theo hướng tăng cường khả năng thích ứng với thị trường văn hóa còn hạn chế. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến.

Chia sẻ tại hội thảo, nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, CNVH thời gian qua cũng đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực này song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Theo nhà sản xuất của liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa, việc tổ chức các festival âm nhạc là ngành nghề đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro bởi vậy rất cần có sự chia sẻ, hướng dẫn, đồng hành của các cơ quan quản lý. Để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững, rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân.

Nêu kinh nghiệm từ nhiều nước trong xây dựng và triển khai chính sách phát CHVH, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) Nguyễn Phương Hòa khuyến nghị, cần đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế, gắn kết chính sách công nghiệp văn hóa sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương; tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển văn hóa số, gắn kết với truyền thông mới; đào tạo nguồn nhân lực và các kỹ năng cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo; tăng cường hợp tác quốc tế.

Nhìn lại 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành CNVH, các chuyên gia đánh giá, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều hạn chế. Có nhiều việc ngành văn hoá chưa làm được, thậm chí có nhiều việc còn lúng túng. Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực, có những kết quả cụ thể nhưng để phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như Chiến lược đề ra thì khối lượng công việc để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều. Cùng với đó là sự cần thiết hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời gian tới.

 

Những chuyển động tích cực về chủ trương, chính sách trong thời gian qua cũng đã thúc đẩy hình thành nhiều chương trình, sáng kiến đột phá, trong đó sự thành công của TP Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với lĩnh vực Thiết kế đã tạo động lực cho một số TP của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu mở rộng và hình thành mạng lưới TP sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt