Công nhân cần được tiếp cận nguồn vay nhanh và dễ

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, qua báo chí chúng tôi được biết Ngân hàng Nhà nước sẽ dành khoản tiền 20.000 tỷ đồng để cho công nhân vay.

Công đoàn cơ sở các công ty, xí nghiệp sẽ làm cầu nối để công nhân có nhu cầu được vay. Đây là thông tin rất vui cho mọi người dân nói chung, công nhân nói riêng.

Công nhân cần được tiếp cận nguồn vay nhanh và dễ
Công nhân cần được tiếp cận nguồn vay nhanh và dễ

Thông tin ban đầu cho biết, dự kiến mỗi công nhân được vay tối đa 70 triệu đồng, thời hạn 3 tháng đến dưới 3 năm, lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện tại cùng thủ tục đơn giản thông qua 2 công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước.

Đây là nỗ lực của Nhà nước (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trong nỗ lực đẩy lùi “tín dụng đen”, tệ nạn gần đây hoành hành dữ dội khiến xã hội bất an, nhiều gia đình, cá nhân người lao động rơi vào thảm cảnh.

Việc Nhà nước dành một khoản tiền lớn cho người lao động vay là tín hiệu đáng mừng, bởi đây là một trong những cách cơ bản, tiếp cận gốc rễ vấn đề để triệt phá hoàn toàn tệ nạn cho vay nặng lãi đang hiện diện ở từng con phố, từng thôn làng, nhà máy, xí nghiệp.

Một công nhân cho biết: “Gia đình tôi khi nhận được thông tin qua báo chí sẽ tiếp cận được khoản vay lãi suất thấp mà mừng không ngủ được. Cuộc sống nếu bình thường thì chúng tôi cũng sống tạm đủ chi tiêu nhưng lỡ có chuyện xảy ra như những tháng không có việc trong mùa dịch Covid-19 vừa qua thì đúng là rất khó khăn. Trong khi đó, “tín dụng đen” bủa vây, chỉ mềm lòng là chúng tôi sẽ dính bẫy nợ”.

Như tiếp thêm niềm vui với thông tin công nhân có thêm nguồn tiền để vay trang trải cuộc sống, thời gian gần đây, nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt triệt phá, đẩy lùi các tổ chức cho vay nặng lãi, cả ở địa bàn dân cư, cả ở trên mạng.

Nhiều tổ chức cho vay nặng lãi trong nước và có yếu tố nước ngoài có quy mô hàng nghìn tỷ đồng đã bị bóc dỡ. Đặc biệt, một số tỉnh miền Tây đã lập các tổ công tác đặc biệt để giải quyết tệ nạn này, có nơi do chính giám đốc công an tỉnh làm tổ trưởng.

Các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh luật về tăng hình phạt với hành vi cho vay nặng lãi.

Đặc biệt, các cơ quan báo chí cũng ra sức tuyên truyền để cảnh báo mối nguy hại của các tổ chức “tín dụng đen” và các bẫy nguy hiểm luôn giăng ra chực chờ người lao động.

Thiết nghĩ, với sự vào cuộc quyết liệt bằng những giải pháp cơ bản, đồng bộ của các cơ quan chức năng như vậy, tệ nạn cho vay nặng lãi sẽ bị đẩy lùi và đi đến bị xóa bỏ gần như hoàn toàn.

Cuối cùng, để chính sách cho người lao động vay tiêu dùng giá rẻ đi vào thực tiễn cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện về thủ tục vừa đảm bảo được nguyên tắc tài chính, vừa dễ dàng cho việc vay vốn. Thực tế, đã xảy ra trường hợp khoản vay dành cho DN, người lao động đã có từ chủ trương nhưng không/khó triển khai vì thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn. Thiết nghĩ, người lao động với khoản vay không lớn (70 triệu đồng trở lại), cần được công đoàn cơ sở hỗ trợ để được vay dễ dàng nhất có thể.

Chỉ như vậy, người lao động mới có nơi tiếp sức cho họ trong cuộc sống khi gặp khó khăn và tránh được cái bẫy “tín dụng đen”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần