Công nhân giỏi Thủ đô: Vượt khó, sáng tạo

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là nơi tập trung khoảng 250.000 DN, với trên 2,5 triệu lao động. Các phong trào thi đua do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội triển khai thời gian qua đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của công nhân lao động.

Qua đó, góp phần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Đòn bẩy thúc đẩy lao động sáng tạo

Phân xưởng rèn dập thuộc Công ty CP Xích líp Đông Anh có đặc thù là sản xuất phôi đầu vào cho các đơn vị khác, khối lượng công việc lớn và khuôn cuối rất quan trọng để quyết định chất lượng sản phẩm. Với 19 năm kinh nghiệm làm việc, anh Lê Văn An - Tổ trưởng Tổ phân xưởng rèn dập đã có sáng kiến cải tiến khuôn dập, giúp sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, tăng năng suất lao động lên 150% và không có hàng lỗi trong 3 năm qua.

“Trong quá trình làm việc, tôi tích lũy kinh nghiệm, chịu khó quan sát, lắng nghe ý kiến của công nhân, từ đó trăn trở suy nghĩ làm sao để có một khuôn phôi đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng” – anh Lê Văn An chia sẻ. Với tinh thần chịu khó, không ngại khó ngại khổ để tìm ra giải pháp cải tiến chất lượng công việc, năng suất lao động bình quân đạt 210%, anh Lê Văn An đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2022.

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xích líp Đông Anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, Công đoàn luôn nỗ lực xây dựng phong trào thành nét văn hóa đặc trưng của công ty theo tinh thần “Mỗi một công nhân đều là một công nhân chất lượng”. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, phong trào “Công nhân giỏi” đã phát huy được sự đồng lòng, sáng tạo của công nhân, giúp công ty vượt qua thời điểm khó khăn.

Trong năm qua, đã có nhiều sáng kiến, hoạt động, chương trình công nhân đưa ra kiến nghị với Công đoàn công ty những giải pháp tốt nhất để công ty phát triển. Thu nhập của người lao động (NLĐ) ngoài lương còn có phần thưởng thêm cho năng suất lao động; phụ cấp về công nhân chất lượng. "Quan trọng nhất là các phong trào của Công đoàn phải gắn liền với lợi ích của công ty thì anh em công nhân mới tích cực hưởng ứng” - ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Xích líp Đông Anh. Ảnh: Duy Khánh
Công nhân làm việc tại Công ty CP Xích líp Đông Anh. Ảnh: Duy Khánh

Góp phần quan trọng khôi phục sản xuất, kinh doanh

Tại Công ty CP Khóa Việt – Tiệp, trong 2 năm gần đây, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được đặt lên hàng đầu. Trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm, hội đồng khoa học công ty hàng năm đều tổ chức xét duyệt sáng kiến cho NLĐ. Những sáng kiến của NLĐ đã mang giá trị thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, tiết kiệm nguyên vật liệu, vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giảm giá thành.

“Trong 3 năm qua, giá trị làm lợi của các sáng kiến là 1 tỷ đồng. Từ đó, lãnh đạo Công ty cũng trích thưởng cho các cá nhân, tập thể có sáng kiến mang lại giá trị hiệu quả cho công ty” – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Khóa Việt – Tiệp Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Có thể nói, suốt 16 năm qua, phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Qua đó, phát hiện nhiều tấm gương công nhân giỏi trên nhiều lĩnh vực, ở mọi lứa tuổi. Họ đều là những công nhân trực tiếp lao động, sản xuất tại DN, những tấm gương tiêu biểu, cần cù trong lao động. Nhiều sáng kiến, sáng tạo của công nhân đã góp phần cùng DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Ngay khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động chương trình “1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, LĐLĐ TP Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình. Các cấp Công đoàn và đội ngũ công nhân, viên chức, NLĐ Thủ đô đã đăng ký phấn đấu đóng góp ít nhất 130.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn. Tính đến nay, có 15.000 sáng kiến được cập nhật, LĐLĐ TP Hà Nội đã vượt lên vị trí thứ 2 bảng xếp loại số lượng sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng, những sáng kiến của công nhân lao động Thủ đô đã được triển khai, áp dụng vào thực tiễn của cơ quan, đơn vị, DN và có khả năng áp dụng, phổ biến rộng rãi trong ngành hoặc toàn TP, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết khó khăn của DN, phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục những hậu quả của dịch Covid-19.

 

Chương trình “1 triệu sáng kiến” là một chương trình có hiệu quả. Ngay từ khi Tổng LĐLĐ Việt Nam mới phát động, chương trình đã được triển khai tích cực tới các Công đoàn cơ sở. Dự kiến Công ty CP Môi trường đô thị Gia Lâm sẽ đăng ký 100 sáng kiến. Hiện nay, các đoàn viên đang tích cực hưởng ứng đăng ký sáng kiến, sáng tạo, phấn đấu đạt được các tiêu chí đã đề ra.

Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Môi trường đô thị Gia Lâm Trương Hoài Nam

 

 

Trong các đợt thi đua, phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo” đã được LĐLĐ quận Thanh Xuân tích cực triển khai. Những tấm gương được ghi nhận và tôn vinh xứng đáng là những công nhân trực tiếp lao động, sản xuất tại các DN thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn quận. Thông qua các hình thức tôn vinh ở các Công đoàn cơ sở, đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của NLĐ.

Hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến”, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động quận Thanh Xuân đã hưởng ứng nhiệt tình và hiện có hơn 600 sáng kiến, tiêu biểu có các tập thể Công ty TNHH Toyota Thanh Xuân; trường THCS Khương Đình, trường Tiểu học Khương Mai...

Chủ tịch LĐLĐ quận Thanh Xuân Cao Đắc Tiến (Hồng Thái ghi)

 

 

Muốn trở thành công nhân giỏi, trước hết mình phải là người có tâm yêu nghề, không chùn bước trước khó khăn. Ngoài ra phải không ngừng học hỏi. Bây giờ mọi thông tin đều sẵn có nên công nhân cần tranh thủ cập nhật thông tin, kiến thức để áp dụng vào công việc tốt hơn.

Anh Lê Huy Cường – Tổ trưởng sản xuất Tổ khuôn, phòng Cơ điện, Công ty CP Khóa Việt - Tiệp