Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Công nhận thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Kinhtedothi – Ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký các quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, có thêm 4 di sản tại Hà Nội, An Giang và Lào Cai được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, tại Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian "Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Tiến

Trống Chhay-dăm được xem là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của người Khmer, thường được biểu diễn trong dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ook om bok hoặc các dịp thu hoạch mùa màng bội thu… Tiếng trống và điệu múa Chhay-dăm mang ý nghĩa về sự vui tươi, sức khỏe và an lành. Đây cũng là cách để gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần trong tâm thức đồng bào Khmer. Đồng thời, truyền đạt giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cho thế hệ trẻ Khmer.

Tại Quyết định số 1351/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định đưa lễ hội truyền thống "Hội hát chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội" vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chèo tàu Tân Hội là điệu hát chèo thuyền trên cạn độc đáo của Xứ Đoài, một hình thức diễn xướng dân gian độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.

Trình diễn hát chèo tàu Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội.

Điều đặc biệt là tất cả bài hát của nghệ thuật chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ. Dù đã trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử nhưng lời ca, điệu hát vẫn giữ được vị thế của mình, vẫn làm say đắm lòng người.

Tại Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng "Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí tại huyện Mường Khương là một nghi lễ đặc sắc thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa người dân với thiên nhiên và rừng. Nghi lễ cúng rừng thường tổ chức vào ngày cuối tháng 1 âm lịch hàng năm. Ngoài cầu mong mùa màng bội thu, may mắn cho dân bản, cúng rừng còn mang tính giáo dục, răn dạy mỗi người không phá rừng, tích cực bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Hoàng Lợi

Tại Quyết định số 1353/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định đưa nghề thủ công truyền thống "Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ những nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên như: giang, nứa, cọ, mây, vầu, với đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, đồng bào dân tộc Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên đã tạo ra các sản phẩm như gùi, nia, rổ, giỏ, mẹt, khóp đựng xôi, dụng cụ đánh bắt cá và một số đồ dùng không thể thiếu trong nghi lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ thôi nôi để phục vụ trong đời sống hàng ngày…

Các sản phẩm được tạo ra từ đan lát đã phát huy giá trị không chỉ trong đời sống mà còn góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm trong phát triển du lịch huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Vũ Sơn

Các quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ VHTT&DL giao Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chùa Láng

Tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chùa Láng

Bảo vệ, tránh để mai một, thất lạc di sản văn hóa

Bảo vệ, tránh để mai một, thất lạc di sản văn hóa

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người”

Xúc động chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người”

14 May, 09:46 PM

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Báo Văn hóa phối hợp với Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam tổ chức xây dựng và biểu diễn Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Quà tháng 5 dâng Người” vào tối 14/5/2025 tại Nhà hát lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Trực tiếp: Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Quà tháng 5 dâng Người"

Trực tiếp: Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Quà tháng 5 dâng Người"

14 May, 08:55 PM

Kinhtedothi - Tối 14/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quà tháng 5 dâng Người”. Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, với sự tham gia thực hiện của Báo Văn hóa, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Công ty cổ phần Truyền thông và chiến lược Social Impact.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ