Công tác chấm thi lớp 10: Đảm bảo công bằng, chặt chẽ

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngay sau khi kết thúc kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2021- 2022, hàng nghìn thí sinh và phụ huynh chuyển sang trạng thái mong ngóng kết quả thi. Cũng như mọi năm, công tác chấm thi năm nay luôn đảm bảo yêu cầu: Nghiêm túc, chính xác, công bằng và thực hiện đúng theo quy định để đảm bảo kết quả khách quan, thực chất.

Tuân thủ nghiêm quy định chấm thi
Hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rất cụ thể về việc tổ chức chấm thi. Theo đó, toàn TP thành lập 1 Ban chấm thi (trong đó có Ban chấm thi trắc nghiệm khách quan và các Ban chấm thi bộ môn hoặc nhóm môn) và 1 Ban làm phách. Địa điểm đặt Ban chấm thi phải đảm bảo yêu cầu quy định về an ninh và cơ sở vật chất. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động 24 giờ/ngày và đảm bảo các điều kiện khác theo đúng Quy chế thi.
Ban Chấm thi được thành lập theo Quyết định của Sở GD&ĐT. Những giáo viên chấm thi phải là người có kinh nghiệm được cử theo quyết định của đơn vị và đều được phổ biến rất kỹ về nghiệp vụ chấm thi.
 Học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021- 2022 tại điểm thi trường THCS Phú La (quận Hà Đông)
Sở GD&ĐT quy định cụ thể đối với các tổ chấm thi, chức năng nhiệm vụ của tổ trưởng và các thành viên trong tổ. Việc chấm thi được bốc thăm ngẫu nhiên gói bài chấm; thống nhất cách thức chấm và chấm theo quy trình 2 vòng độc lập tại 2 phòng riêng biệt.
Chị Nguyễn Thị Ánh Dương, trú tại quận Nam Từ Liêm thắc mắc: “Con tôi nguyện vọng 1 là trường THPT Cầu Giấy nhưng có đăng ký chuyên Nguyễn Huệ để trải nghiệm nên thi tại điểm thi chuyên Nguyễn Huệ. Tôi lo nếu chấm theo “chuẩn” trường chuyên sẽ “chặt” hơn, điểm con sẽ bị thấp đi so với chấm ở hội đồng trường thường….”.
Cô Hoàng Thơm - giáo viên từng tham gia chấm thi vào lớp 10 THPT cho biết: “Bài thi sẽ được Ban chấm thi giao ngẫu nhiên về các cụm chấm, tổ chấm nên không có chuyện học sinh thi ở địa điểm trường chuyên sẽ chấm điểm “chặt” hơn thi ở địa điểm trường không chuyên. Cơ bản mỗi khâu chấm thi sẽ có 2 vòng độc lập; có 2 giám khảo chấm song song. Nếu điểm bài thi chênh lệch từ 1 điểm sẽ có 3 giám khảo chấm. Riêng môn Ngữ văn, nếu điểm chênh lệch từ 1-1,5 điểm, 2 giám khảo sẽ đối thoại; trường hợp không thống nhất, sẽ mời giám khảo thứ 3 chấm đối chiếu. Chấm thi các môn theo barem điểm cố định, thang điểm 10 với đơn vị điểm nhỏ nhất là 0,25 điểm”.
Luôn đảm bảo công bằng, khách quan
“Khi chấm thi, các tổ chấm nằm trong tổng thể Ban chấm thi chung của TP; ở đó quy trình chấm 2 giám khảo chấm độc lập, có tổ thanh tra chấm xác suất. Việc khớp điểm giữa 2 giám khảo để cho ra điểm thống nhất cũng được thực hiện nghiêm túc. Tổ trưởng các phòng chấm hay giám khảo không biết được túi bài họ chấm là của học sinh chuyên hay không chuyên nên không có chuyện đối xử khác biệt khi chấm. Các giáo viên chấm thi luôn bám vào thang điểm chung để đánh giá bài thi”- một giáo viên có kinh nghiệm chấm thi vào 10 cho biết.
 Các thí sinh và phụ huynh đang mong đến ngày công bố điểm thi
Trước thắc mắc về việc: “Điểm “tự chấm” của học sinh dù đã đối chiếu đáp án thường bị thấp hơn kết quả công bố”, giáo viên này phân tích: “Học sinh là người biết rõ bài làm của mình; việc “tự chấm” cho ra điểm thấp hơn điểm thi công bố có thể do học sinh đã ngộ nhận mình làm đúng. Với những bài tự luận, bài thi yêu cầu học sinh chặt chẽ trong lập luận, tư duy; bởi vậy nhiều bài làm học sinh ngỡ rằng mình “ăn” điểm nhưng thực ra lại không được điểm, bị trừ điểm hoặc mất điểm đáng tiếc”.
Liên quan đến vấn đề chấm thi, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ: Cán bộ chấm thi được chọn lựa ở các trường THCS và THPT và chấm theo hướng dẫn của Sở. Sau khi giám khảo chấm xong còn có một bộ phận độc lập chấm kiểm tra. Hơn nữa, khi học sinh biết kết quả của mình nếu thấy điểm không thoả mãn có thể làm đơn xin phúc khảo và quy trình chấm của Ban phúc khảo cũng được tiến hành rất chặt chẽ. Như vậy, công tác chấm thi luôn đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan, đánh giá sát chất lượng bài thi của học sinh và tuân thủ theo đúng quy chế.
 
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và lớp 10 song bằng tú tài THPT năm học 2021-2022, từ ngày 17/6, Sở GD&ĐT triển khai công tác chấm thi. Dự kiến, khoảng hơn 2.300 cán bộ, giáo viên sẽ được Sở điều động tham gia công tác chấm thi. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, số cán bộ, giáo viên này được xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Dù thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT lùi lại 2 ngày, song Sở phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để vẫn có thể hoàn thành công tác chấm thi như kế hoạch ban đầu, tức là vào ngày 28/6/2021. Dự kiến, ngày 29/6/2021, Sở GD&ĐT tổ chức ghép điểm xét tuyển cho từng thí sinh và công bố điểm bài thi các môn của thí sinh chậm nhất vào ngày 30/6/2021.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần