Học sinh lớp 9 Hà Nam bước vào giai đoạn “nước rút” chuẩn bị thi lớp 10
Kinhtedothi - Đến thời điểm hiện tại, học sinh lớp 9 toàn tỉnh Hà Nam đang trong giai đoạn nước rút, chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026. Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/6 tới với 3 môn thi bắt buộc và môn chuyên dành cho học sinh thi vào Trường THPT chuyên Biên Hòa.
Tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh, không khí ôn tập đang diễn ra sôi nổi, khẩn trương. Học sinh tập trung cao độ, giáo viên tích cực chuẩn bị chuyên môn, các nhà trường chủ động điều chỉnh kế hoạch để thích ứng với quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.
Trường THCS Châu Sơn (TP Phủ Lý) có 168 học sinh lớp 9 bước vào kỳ thi năm nay. Cô Phạm Thị Minh Trang - giáo viên phụ trách ôn thi lớp 9 - chia sẻ: “Mặc dù thời gian ôn tập không nhiều như những năm trước, song nhà trường và giáo viên đã chủ động bám sát chương trình, tổ chức phân loại học sinh, xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể và hiệu quả. Đồng thời, tham gia biên soạn đề thi thử, sinh hoạt chuyên môn để kịp thời cập nhật những thay đổi, giúp học sinh rèn kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức trọng tâm.”
Theo cô Trang, kỳ thi thử do trường tổ chức không chỉ là cơ hội kiểm tra năng lực, mà còn giúp học sinh làm quen với không khí phòng thi, tăng sự tự tin, bản lĩnh.
Em Đỗ Hà My, học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Đông (Duy Tiên), cho biết: “Em dự định thi vào Trường THPT B Duy Tiên. Tuy thời gian ôn tập tập trung trên lớp không nhiều, nhưng em và các bạn được thầy cô hỗ trợ rất sát sao. Chúng em làm nhiều đề, rèn kỹ năng từng môn, cố gắng ôn thêm ở nhà để đạt kết quả tốt nhất.”

Hà Nam đã sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: BHN
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường, dẫn đến việc ôn tập chỉ có thể tổ chức miễn phí, theo hình thức tự nguyện. Dù điều này giúp giảm áp lực tài chính cho nhiều phụ huynh, song với học sinh có học lực trung bình, việc thiếu sự kèm cặp sát sao đang là trở ngại lớn.
Cô Trần Thị Huệ, giáo viên Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm), cho rằng: “Năm nay đề thi môn ngữ văn có sự thay đổi lớn theo định hướng phát triển năng lực. Trong khi học sinh vùng nông thôn còn hạn chế về kỹ năng lập luận, phản biện thì đây thực sự là thách thức”.
Theo cấu trúc mới, đề thi ngữ văn gồm hai phần, mỗi phần 5 điểm. Đáng chú ý, toàn bộ ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa và có độ dài tới 1.300 chữ, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc nhanh, phân tích và tổng hợp thông tin.
Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), nơi có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã tổ chức ôn tập miễn phí từ cuối tháng 2, phân loại học sinh theo năng lực để dạy phù hợp. Cô Nguyễn Thị Ngọc Liên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Giáo viên hoàn toàn tự nguyện đứng lớp, nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất, giám sát chặt chẽ để việc ôn tập đạt hiệu quả cao nhất”.
Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 12.726 học sinh lớp 9, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay là 10.850 em. Áp lực cạnh tranh là rất lớn. Sở GD&ĐT đã xây dựng phương án điều động trên 1.600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền quy chế, tư vấn tuyển sinh và tập huấn quy trình thi cho cán bộ làm nhiệm vụ.
Ngoài hệ thống trường THPT công lập, Hà Nam cũng phân luồng tuyển sinh vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường ngoài công lập. Theo đó, học sinh có thể lựa chọn học nghề, học liên thông tùy theo năng lực và điều kiện kinh tế gia đình.
Trước đó, Sở GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh, xây dựng kế hoạch thi cụ thể. Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 công lập sẽ diễn ra trong 3 ngày. Học sinh thi 3 môn bắt buộc: toán, ngữ văn (hình thức tự luận) và tiếng Anh (tự luận kết hợp trắc nghiệm, có phần nghe). Thí sinh đăng ký vào Trường THPT chuyên Biên Hòa sẽ thi thêm các môn chuyên vào ngày 8/6.
Điểm bài thi tính theo thang 10, các môn chung tính hệ số 1, môn chuyên tính hệ số 2. Mỗi học sinh có thể đăng ký tối đa 2 nguyện vọng vào lớp chuyên (không trùng lịch thi) và 1 nguyện vọng vào trường không chuyên theo phân vùng tuyển sinh.
Sở cũng đã tổ chức tập huấn quy chế, quy trình thi cho hơn 1.600 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, bảo đảm đầy đủ cơ cấu, lực lượng. Đồng thời, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường THCS thông báo rõ ràng đến phụ huynh, học sinh về chỉ tiêu, điều kiện dự tuyển, quy trình đăng ký và sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh.
Kỳ thi vào lớp 10 năm nay, toàn tỉnh có 23 hội đồng thi được bố trí hợp lý, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh, y tế. Tinh thần chủ đạo là bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, an toàn tuyệt đối.
Cùng với sự đồng hành của thầy cô, sự chỉ đạo sát sao từ ngành giáo dục, hàng nghìn học sinh Hà Nam đang từng ngày nỗ lực ôn luyện, sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới - bước ngoặt đầu tiên trong hành trình học tập trung học phổ thông và nghề nghiệp tương lai.

Hà Nam lấy ý kiến đóng góp của người dân về phương án đặt tên xã, phường mới
Kinhtedothi - Ngày 22/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.

Khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam 2025
Kinhtedothi - Tối 12/5, gần 10.000 khán giả và du khách thập phương tham dự Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2025 do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức.

Hà Nam bảo đảm an ninh lễ rước Xá lợi Đức Phật và Đại lễ Phật đản
Kinhtedothi - Ngày 15/5, Công an tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ cung rước, tôn trí và chiêm bái Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và Đại lễ Phật đản tại Khu du lịch Tam Chúc, phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng.