Số người tử vong cao
Sáng 14/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì Hội nghị trực tuyến về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2022 trên toàn quốc. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện các bộ, ngành T.Ư và địa phương. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong quý I/2022, cả nước xảy ra 2.762 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 662 vụ (19,33%), giảm 67 người chết (3,84%), giảm 739 người bị thương (29,80%).
Riêng TNGT đường bộ xảy ra 2.731 vụ, làm chết 1.630 người, bị thương 1.734 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 655 vụ (19,34%), giảm 80 người chết (4,68%), giảm 739 người bị thương (29,88%). Điều đáng nói, số người chết vì TNGT giảm chưa đạt 5% như yêu cầu đặt ra, tình hình tai nạn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, trong quý I/2022, tình hình TNGT có diễn biến tốt khi giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số người chết do tai nạn giao thông còn cao.
Trong 3 tháng đầu năm, 33 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó 11 địa phương giảm trên 40% số người tử vong là: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Hà Giang, Sơn La, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Ninh Thuận, Quảng Trị. Đặc biệt, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Quảng Bình giảm trên 60% số người tử vong do TNGT.
24 địa phương có số người tử vong do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 13 tỉnh tăng trên 15% là: Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Đắk Nông, Đà Nẵng, Hậu Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Điện Biên, trong đó, 4 tỉnh có số người tử vong tăng trên 50% trở lên gồm: Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Điện Biên.
Trong quý I, cũng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như tại tỉnh Gia Lai, ngày 29/2 xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chết 7 người. Ngày 26/2, xảy ra một vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng trong nhiều năm qua tại tỉnh Quảng Nam làm chết 17 người.
Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương, hiệp hội vận tải và DN vận tải nhằm tuyên truyền mạnh mẽ đối với hành vi vi phạm luật giao thông. Cần xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe vi phạm quy định và chủ doanh nghiệp sử dụng lái xe dương tính với ma túy.
Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Bộ đã ban hành chương trình thực hiện công tác đảm bảo trật tự, ATGT, tăng cường xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất kích thích.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, ATGT còn nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra. Trong đó, có một phần nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông còn thiếu đồng bộ, chồng chéo gây cản trở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bùng phát vi phạm trong thanh thiếu niên
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, quý I vừa qua, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình vi phạm trật tự giao thông, vi phạm hành làng giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa… còn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, TNGT đặc biệt nghiêm trong liên quan đến việc tuân thủ pháp luật ở lứa tuổi thanh thiếu niên, lái xe sử dụng rượu bia, ma túy… còn cao.
Đơn cử trên địa bàn tỉnh Gia Lai, 5/7 vụ TNGT nghiêm trọng có nguyên nhân liên quan đến thanh thiếu niên. Đại diện Ban ATGT tỉnh Gia Lai lý giải: “Qua xem xét các vụ việc, nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận thanh thiếu niên chưa có ý thức chấp hành luật giao thông. Các vi phạm trật tự, ATGT giao thông trong vùng sâu, vùng xa vẫn phổ biến do lực lượng chức năng mỏng, nhiều phương tiện cũ nát được dùng để tham gia giao thông”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi: “Một số tỉnh đang bùng lên hiện tượng thanh thiếu niên chưa có bằng lái, chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe mô tô và tình trạng uống rượu bia gây ra tai nạn thảm khốc. Trẻ vị thành niên chưa có suy nghĩ chín chắn. Vậy cha mẹ gia đình và xã hội đã làm gì khi các em điều khiển xe mô tô gây ra những tai nạn đặc biệt nghiêm trọng?”.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhắc nhở các địa phương, công tác đảm bảo trật tự, ATGT đòi hỏi phải được duy trì liên tục, không thể thỏa mãn với những thành tích đạt được, nbởi chỉ cần lơi là, thiếu sát sao là trật tự, ATGT ngay lập tức trở nên phức tạp.
“Pháp luật thì như nhau nhưng việc áp dụng tại từng tỉnh, TP lại khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Những địa phương có tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp cần nghiên cứu, rút ra kinh nghiệm để sớm khắc phục” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT, Bộ Công an đều nhận định, thời gian tới, du lịch sẽ phát triển mạnh và nhiều kỳ nghỉ lễ, lượng người tham gia giao thông chắc chắn tăng đột biến, bởi vậy cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT.
Nhiệm vụ cấp bách là phải tăng cường tuyên truyền tời người dân về việc chấp hành luật giao thông, tập trung xóa các điểm đen, khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT, đồng thời đẩy nhanh tiến độ những dự án giao thông trọng điểm.
Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã kiến nghị: “Bộ GTVT cần sớm báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy và tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với loại phương tiện này để làm căn cứ xây dựng các biện pháp xử lý đối với các phương tiện không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường”.