Công tác dân vận trong quản lý đô thị: Những đóng góp thầm lặng

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại bất cứ dự án nào, nút thắt đầu tiên trong việc triển khai là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Nói như vậy là bởi, tại Hà Nội – nơi “tấc đất, tấc vàng”, việc vận động những hộ dân có đất nằm trong chỉ giới đường đỏ tự nguyện bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định là một thách thức không nhỏ.
Hết việc, không hết giờ
Để các dự án, đặc biệt là dự án phát triển hạ tầng giao thông triển khai, về đích đúng tiến độ thì điều tối quan trọng chính là công tác thu hồi đất, GPMB. Tuy nhiên, do đây là việc làm liên quan trực tiếp đến lợi ích sát sườn của người dân nên tại nhiều dự án, công tác này mất rất nhiều thời gian.
 Dự án đường Vành đai 3 (Mai Dịch - cầu Thăng Long) được triển khai tốt hơn nhờ công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng. Ảnh: Công Hùng
Để khắc phục tình trạng trên, đẩy nhanh tiến độ GPMB, chính quyền các địa phương và đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở phải tranh thủ từng giây, từng phút để gặp gỡ, vận động người dân bàn giao mặt bằng theo đúng quy định.
Nhớ lại những kỷ niệm trong công tác GPMB phục vụ Dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, ông Trần Đông Dực – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy chia sẻ, liên quan đến dự án trên, quận Cầu Giấy có 247 hộ trong diện GPMB với tổng diện tích đất thu hồi 25.072,3m2, trong đó có hai khu mộ tổ lâu đời.
Để hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng, ngoài việc tổ chức nhiều cuộc họp, các lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể từ quận đến phường, thậm chí cả lãnh đạo quận cũng phải tranh thủ buổi tối để đến từng hộ dân để vận động, lắng nghe những ý kiến của các hộ có liên quan. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sau hơn một năm triển khai, đến tháng 2/2018 – những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, công tác GPMB dự án mở rộng đường Vành đai 3 đã hoàn thành theo đúng chỉ đạo của UBND TP.
Tương tự, để tìm ra tiếng nói đồng thuận trong công tác GPMB dự án mở rộng tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ, UBND phường Tứ Liên đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong diện GPMB hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, Đảng ủy, UBND phường Tứ Liên còn đối thoại trực tiếp; công khai, minh bạch cơ chế chính sách tới cán bộ chủ chốt, chi bộ, tổ dân phố và người dân có đất bị thu hồi; lắng nghe ý kiến, chủ động tổng hợp kiến nghị, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.
Đặt mình vào vị trí người bị thu hồi đất
Theo ông Trần Đông Dực, sở dĩ công tác thu hồi đất, GPMB gặp nhiều khó khăn do chính sách, cơ chế hỗ trợ đền bù chưa theo sát được thực tế. Do đó, để công tác thu hồi đất, GPMB đảm bảo đúng tiến độ đề ra, điều quan trọng nhất là những người làm công tác GPMB phải đặt mình vào vị trí người bị thu hồi đất.
Dẫn chứng về việc này, ông Trần Đông Dực cho biết, tại Dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, khó khăn lớn nhất gặp phải là việc di chuyển khu mộ tổ của dòng họ Nguyễn Khả, phường Mai Dịch.
Trong thời gian đầu, đại diện dòng họ không đồng ý di chuyển khu mộ tổ. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền vận động, lắng nghe những nguyện vọng của dòng họ, quận Cầu Giấy đã có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, có văn bản báo cáo Ban Tổ chức T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng chấp thuận theo đề nghị của dòng họ được di chuyển 5 ngôi mộ tổ của dòng họ vào Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Thắng – Chủ tịch UBND phường Khương Thượng, quận Đống Đa cho biết, để đảm bảo quyền lợi, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thuộc diện thu hồi, GPMB dự án đường Trường Chinh, UBND phường đã lắng nghe, kiểm đếm, đánh giá và kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh giá đền bù cho những hộ dân mất đất.
Cụ thể, theo ông Thắng, trong quá trình GPMB, UBND phường đã kiến nghị điều chỉnh nâng mức hộ trợ, GPMB đối với hơn 100 trường hợp tại vị trí 1 đường Trường Chinh từ gần 67 triệu đồng/m2 lên đến hơn 84 triệu đồng/m2… Nhờ đó, trong quá trình thu hồi, GPMB đường Trường Chinh, phường Khương Thượng và quận Đống Đa đã không phải tiến hành cưỡng chế trường hợp nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần