Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác đấu thầu, đấu giá đất tại Hà Nội: Siết quản lý, tăng phân cấp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Quyết định 32/QĐ-UBND ngày 16/9/2022, UBND TP tiếp tục yêu cầu siết chặt công tác đấu thầu, đấu giá đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất của tổ chức đấu thầu. Đồng thời phân cấp mạnh hơn cho chính quyền cấp quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện.

Một khu đấu giá đất tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lê Quân
Một khu đấu giá đất tại huyện Đông Anh. Ảnh: Lê Quân

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế

Thời gian gần đây, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá” hay “quân xanh, quân đỏ”. Đặc biệt là tình trạng đưa giá cao rồi bỏ cọc tạo hiệu ứng giá ảo, gây nhiễu thị trường hoặc lập hồ sơ khống để hạ thấp tài sản đấu giá làm thiệt hại ngân sách Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận.

Một trong những sự vụ điển hình xảy ra trên địa bàn Thủ đô là ở huyện Đông Anh, khu đất có diện tích khoảng 5ha ban đầu được thẩm định giá xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Nhưng trong quá trình đấu giá, có tình trạng "quân xanh, quân đỏ", đẫn đến gây thất thoát ngân sách Nhà nước 200 tỷ đồng. Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) vào cuộc xử lý nghiêm theo pháp luật.

Bên cạnh việc làm khống hồ sơ để hạ giá tài sản, tình trạng bỏ giá cao để trúng đấu giá sau đó bỏ cọc cũng xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, mặc dù đây mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, cá nhân nhưng cũng gây ra ảnh hưởng xấu cho công tác đấu giá và thị trường nhà đất.

Trước những diễn biến tiêu cực nêu trên, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, siết chặt công tác quản lý trong hoạt động đấu thầu, đấu giá đất đai trên địa bàn. Cụ thể như Quyết định 24/2022/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 27/2020/QĐ-UBND về đấu giá quyền sử dụng để giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất; Công văn 2269/UBND-TNMT tăng cường kiểm soát, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu giá; Công văn 2807/UBND-TNMT tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.

Mới đây nhất, UBND TP ban hành Quyết định 32/QĐ-UBND quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất, trong đó, nhiều nội dung tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 27/2020/QĐ-UBND và Quyết định 24/2022/QĐ-UBND.

“Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra một số tiêu cực trong công tác đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, trước hết phải nói đến trách nhiệm của chính quyền nơi xảy ra sự việc. Nhưng một phần nguyên nhân dẫn đến hệ quả là do quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai... còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, khiến chính quyền cơ sở gặp khó khăn trong công tác quản lý, thực thi. Với việc UBND TP Hà Nội ban hành những quy định cụ thể, phù hợp với thực tế sẽ là căn cứ quan trọng, thống nhất trên toàn TP để các quận, huyện xử lý tồn tại, hạn chế đối với công tác này” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhận xét.

Đẩy mạnh phân cấp trong công tác đấu giá đất đai giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: Doãn Thành
Đẩy mạnh phân cấp trong công tác đấu giá đất đai giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: Doãn Thành

Nâng trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định 32/QĐ-UBND là UBND TP Hà Nội đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở trong công tác tổ chức đấu giá đất tại dự án đầu tư có sử dụng đất. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP giao các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc UBND TP làm bên mời thầu tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỷ đồng trở lên hoặc quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên trong khu vực quận, từ 25ha trở lên tại khu vực còn lại. TP cũng giao UBND quận, huyện, thị xã làm bên mời thầu tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư còn lại.

“Việc UBND TP Hà Nội tăng cường phân cấp cho các quận, huyện, thị xã trong công tác thực hiện tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất là rất phù hợp, không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tăng thu cho ngân sách Nhà nước mà còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi địa phương. Cùng với đó, góp phần ổn định giá của thị trường bất động sản. Vì thực tế, Thủ đô Hà Nội là đơn vị hành chính khác với những tỉnh, TP khác nên bộ máy của UBND TP phải đảm đương, xử lý khối lượng công việc rất lớn, nếu không có sự phân cấp mạnh sẽ khó có thể hoàn thành được” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp phân tích.

Thời gian qua, công tác đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính đã được đề cập đến rất nhiều với những vướng mắc, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong văn bản luật, khiến các cấp chính quyền lúng túng, khó khăn đối với việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là tâm lý “sợ sai” cũng làm ảnh hưởng đến tính sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành, dẫn đến việc chậm thực hiện quy trình thủ tục đấu thầu, đấu giá.

Theo chuyên gia quy hoạch đô thị, KTS Trần Tuấn Anh, việc TP Hà Nội đưa ra một số quy định trong công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn để giải quyết khó khăn, vướng mắc trước mắt sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Nhưng đây mới chỉ là ở góc độ địa phương, quan trọng nhất là cần phải sửa đổi các quy định của hệ thống luật nhằm đảm bảo thống nhất, tạo hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện.

“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Chính phủ phải tham mưu, đề xuất nhanh chóng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan, đặc biệt là công tác đấu giá, đấu thầu cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, lấy căn cứ để thực hiện. Từ đó các địa phương không còn tâm lý e ngại, né tránh trong việc tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất làm chậm tiến độ thực hiện dự án và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế” – KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

 

Đăng ký của các đơn vị, chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 trên địa bàn TP là 12.450 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 6 mới thu được 3.106 tỷ đồng, đạt 25% chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất. Công tác xác định giá khởi điểm chậm, nhiều nội dung vướng mắc, các đơn vị tham gia đấu giá có tâm lý e ngại; công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, quá trình tổ chức còn có sai sót, dẫn đến một số nơi phải hủy kết quả. Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Bùi Duy Cường